Dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực để phòng, chống bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm làm tăng đường huyết. Tăng đường huyết mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa gluxit (chất bột đường), protein (chất đạm), lipit (chất béo), gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

anh tin bai

Bác sỹ Nguyễn Thái Hồng (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) tư vấn cho người dân về phòng bệnh ĐTĐ tại Trạm Y tế xã Cao Tân, huyện Pác Nặm.

Theo ước tính của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2017 – 2045, ở Việt Nam, số người bệnh ĐTĐ (tuổi từ 20-79) sẽ tăng khoảng 78,5% (từ 3,53 triệu người mắc ĐTĐ năm 2017 tăng lên 6,3 triệu người mắc ĐTĐ năm 2045). 

Tại tỉnh Bắc Kạn, riêng trong 9 tháng đầu năm 2021 phát hiện và quản lý 180 người mắc mới ĐTĐ, tích lũy 2.695 người mắc bệnh ĐTĐ.

Tỷ lệ người mắc ĐTĐ được các chuyên gia nhận định đang tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc ĐTĐ mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm. Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu kiến thức về phòng, chống bệnh ĐTĐ là rất cần thiết, nhằm làm giảm tỷ lệ mắc mới, giảm và chậm quá trình biến chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Trong điều trị ĐTĐ, chế độ ăn uống hợp lý là vấn đề rất quan trọng, góp phần điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khoẻ để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân.

Theo các bác sỹ cho biết, nguyên tắc cơ bản về chế độ ăn của bệnh nhân ĐTĐ là hạn chế gluxit để tránh tăng đường huyết sau khi ăn, đồng thời hạn chế chất béo để tránh rối loạn chuyển hoá. Bữa ăn cần có đủ chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ.

Các bác sỹ cũng khuyến cáo về dinh dưỡng cho bệnh nhân ĐTĐ, cụ thể: 

Chất bột đường: Ở bệnh nhân ĐTĐ, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể nên chế độ ăn cần hạn chế chất bột đường. Hết sức hạn chế các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do chất bột đường cung cấp đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.

Chất đạm: Có trong thịt, cá, trứng, sữa, vừng lạc, đậu, đỗ… Đối với người bệnh ĐTĐ lượng chất đạm chỉ đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần có quá nhiều đạm sẽ không tốt, nhất là đối với người suy chức năng thận. Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần. Người ăn chay có thể bổ sung nguồn đạm từ các loại đậu (đậu phụ, đậu đen, đậu đỏ). Trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh ĐTĐ tỷ lệ năng lượng do chất đạm chiếm 15-20% năng lượng khẩu phần.

Chất béo: Nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật có nhiều acid béo bão hoà - dễ gây xơ vữa động mạch. Nên ăn các chất béo có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu ô liu, dầu lạc, dầu đậu nành, dầu hướng dương,... Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần giúp cho ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Chất xơ: Những thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng điều hòa đường huyết do ít làm tăng đường huyết sau khi ăn. Người bệnh ĐTĐ nên ăn ít nhất 15 gam chất xơ mỗi ngày. Những thực phẩm giàu chất xơ như: một bát cơm gạo lứt (4g chất xơ); một quả táo (5g chất xơ); 1 quả chuối (3g chất xơ); 1 quả lê (4g chất xơ); 1 cốc dâu tây xay (4 g chất xơ), 1 bát cà rốt luộc (5g chất xơ), 1 củ khoai lang (4g chất xơ), nửa đĩa rau muống (3g chất xơ). 

Ngoài ra, cần giảm muối trong bữa ăn (dưới 2,5gam muối mỗi ngày) và đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.

Với người bị ĐTĐ nên chia nhỏ nhiều bữa ăn/ngày để tránh tăng đường huyết nhiều sau khi ăn. Có thể chia làm 5-6 bữa nhỏ trong ngày. Với bệnh nhân điều trị bằng insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, do vậy nên cho ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, bệnh nhân ĐTĐ cần có một lối sống tích cực, tránh lo âu, căng thẳng; nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị lạnh đột ngột và thực hiện chế độ vận động thể lực hợp lý hàng ngày, như: đi bộ 30 phút mỗi ngày, không nên dừng luyện tập 2 ngày liên tiếp; hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc; tuân thủ đúng các hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ điều trị, theo dõi đường huyết thường xuyên; Thực hiện tốt nguyên tắc 5k + vắc xin là cách để người bệnh Đái tháo đường phòng, chống và bảo vệ bản thân trước dịch Covid-19./.

Phương Thào 

Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 122
  • Trong tuần: 10 260
  • Tất cả: 1166275
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập