Đái tháo đường thai Kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp đường máu ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc lần đầu tiên được phát hiện trong thai kỳ. ĐTĐTK được chẩn đoán khi xét nghiệm đường máu có rối loạn đường huyết lúc đói và làm nghiệm pháp tăng đường máu phát hiện có rối loạn dung nạp.
Đái tháo đường thai Kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp đường máu ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc lần đầu tiên được phát hiện trong thai kỳ. ĐTĐTK được chẩn đoán khi xét nghiệm đường máu có rối loạn đường huyết lúc đói và làm nghiệm pháp tăng đường máu phát hiện có rối loạn dung nạp. Người bị ĐTĐTK sau đẻ có 3 khả năng: trở thành tiền đái tháo đường, đái tháo đường (ĐTĐ) thực sự; trở về bình thường nhưng có thể lại bị ĐTĐTK trong những lần có thai tiếp theo. Tình trạng tăng đường máu ở thai phụ có nguy cơ mắc ĐTĐTK sẽ tăng tỷ lệ thuận với tuổi thai và gây tình trạng tăng đường máu ở các mức độ khác nhau.
Xét nghiệm đường máu để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường thai kỳ
ĐTĐTK hiện nay được thế giới quan tâm nhiều vì có liên quan đến biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và trẻ. Tỷ lệ mắc bệnh đang tăng lên, dao động từ 1% đến 14 %, có khoảng 10% đã bị bệnh ĐTĐ từ trước khi mang thai, bệnh hay kèm với tăng huyết áp, bệnh tim mạch, chuyển hóa.v.v…và làm suy giảm sức đề kháng, ĐTĐTK nếu không điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường, ở những thai phụ bị ĐTĐTK, tình trạng tổn thương võng mạc mắt nặng thêm và có thể gây xuất huyết võng mạc (bị mù) ngay trong khi sinh con. Thai phụ bị ĐTĐ còn có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc có khả năng suy tim và nhồi máu tim cấp, nếu thai phụcó sẵn bệnh thận mạn thì thường tình trạng suy thận sẽ gia tăng nếu bị mắc ĐTĐTK.
ĐTĐTK là bệnh nguy hiểm,gây ra nhiều biến chứng cho thai phụ và là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ, tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường máu cao.
Trong quí I (3 tháng đầu) nếu đường máu mẹ tăng cao không được kiểm soát sẽ gây rối loạn quá trình xắp xếp tổ chức của thai nhi có thể bị di tật bẩm sinh về ống thần kinh, tim mạch và một số cơ quan khác trong cơ thể, nếu trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) nguy cơ di tật cao gấp 8 lần bình thường và nguy cơ dị tật thai nhi tăng từ 8-18 lần trong đó dị tật tim mạch cao gấp 18 lần; dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần; Trong quý II (3 tháng giữa) là quá trình phát triển các tổ chức đặc biệt quan tâm ở đây là sự phát triển não bộ của thai, nếu để ceton trong máu mẹ cao sẽ gây tổn thương não của trẻ dẫn đến trẻ bị ảnh hưởng trí tuệ, kém thông minh; Trong quý III (3 tháng cuối) nếu Đường máu mẹ tăng dẫn đến đường máu con tăng và thai to hơn bình thường (trọng lượng thai ≥ 3600 gam). Các trường hợp ĐTĐ xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp.v.v…cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường.
Hiện nay có nhiều thai phụ chưa được theo dõi đường máu chặt chẽ, đặc biệt là những thai phụ chỉ khám thai định kỳ ở phòng mạch tư, chỉ quan tâm đến siêu âm thai (siêu âm không phát hiện được bệnh ĐTĐTK) mà không quan tâm đến xét nghiệm đường máu và làm nghiệm pháp tăng đường máu để phát hiện sớm bệnh ĐTĐTK để có phương pháp điều trị và phòng bệnh đúng.
Việc phát hiện sớm ĐTĐTK, kiểm soát và theo dõi đường máu, chế độ dinh dưỡng, luyện tập và cân nặng ở thai phụ rất quan trọng để phòng các biến chứng.Tai biến chỉ xảy ra nếu đường máu của thai phụ không được ổn định hoặc bệnhnhân đã có các biến chứng trước khi có thai, các biến chứng của bệnh ĐTĐ ở thai phụ có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được quản lý tốt. Bệnh ĐTĐTK cần được phối hợp chăm sóc toàn diện bởiBác sĩ đa khoa, Bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, Bác sĩ sản phụ khoa và cả bác sĩ chuyên khoa bệnh lý sơ sinh
Thai nhi có đường huyết cao dễ bị sinh non, dị tật, thai to hoặc chậm tăng trưởng, thai chết lưu… Hoặc em bé sẽ gặp những rối loạn chuyển hóa lúc sơ sinh như đa hồng cầu, vàng da nhân (thường vàng da sớm vào ngày thứ 1,2,3,4 ngay sau sinh, dễ nhầm với vàng da sinh lý. Nếu trẻ không được xét nghiệm Bilirubin máu để phát hiện sớm vàng da bệnh lý sẽ gây tổn thương não trẻ và để lại di chứng bại não), hạ can xi máu, hạ đường huyết sơ sinh suy hô hấp, tử vong nếu không được phát hiện sớm. Con của thai phụ ĐTĐTK không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp vàng da bệnh lý trong ba ngày đầu sau sinh, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng.
Kiểm soát tốt đường máu là một trong những yếu tố quyết định điều trị thành công bệnh ĐTĐTK vì đường máu cao rất dễ sinh ra các biến chứng và ngược lại, khi đườngmáu hạ thấp dưới 3 mmol/L thai phụ có nguy cơ bị hôn mê, thậm chí tử vong. Do vậy thai phụ bị ĐTĐ cần cố gắng duy trì đường máu ở mức càng gần bình thường càng tốt. Trong thai kỳ cùng với điều trị ổn định đường máu, tình trạng phát triển của thai nhi cần được theo dõi chặt chẽ qua siêu âm định kỳ, cần quan tâm tới cân nặng, huyết áp, tình trạng phù, tiền sản giật hoặc sản giật để ngăn ngừa các trường hợp thai chết lưu, suy hô hấp, thai phụ bị ĐTĐTK cần, phải theo dõi tim thai tại cơ sở Y tế điều trị từ tuần thai thứ 27, từ 1-3 lần/tuần
Thời điểm làm nghiệm pháp tăng đường máu để phát hiện sớm ĐTĐTK:
Tất cả các phụ nữ khi chuẩn bị có thai cần kiểm tra sức khỏe trước bằng các xét nghiệm máu, sinh hóa máu, nước tiểu đặc biệt là xét nghiệm đường máu và làm nghiệm pháp tăng đường máu để phát hiện sớm bệnh ĐTĐTK. Các thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐTK phải xét nghiệm đường máu và làm nghiệm pháp tăng đường máu khi biết có thai, thông thường tiến hành xét nghiệm xét nghiệm đường máu và làm nghiệm pháp ít nhất 3 lần trong thai kỳ, vào các thời điểm khi tuổi thai trong các khoảng sau: 6-12 tuần tuổi; 13-23 tuần tuổi; 24-28 tuần tuổi.
Những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐTK cần khám sàng lọc bao gồm: thừa cân hoặc béo phì với (BMI ≥23); Tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ thế hệ thứ nhất (gồm có bố, mẹ, anh, chị, em, con); Tiền sử sẩy thai, thai chết lưu; Tiền sử đẻ con có cân nặng ≥ 3600gam; Tiền sử rối loạn dung nạp đường máu khi làm nghiệm pháp tăng đường máu và rối loạn đường máu lúc đói (tiền ĐTĐ); Tăng huyết áp (HA tối đa ≥135 mmHg và/hoặc HA tối thiểu ≥ 85 mmHg); Có đường trong nước tiểu; Đã được chẩn đoán có rối loạn chuyển hoá Lipid (mỡ máu); Đã được chẩn đoán mắc ĐTĐTK; Ít hoạt động thể lực;Làm việc tĩnh tại (cán bộ văn phòng, người bán hàng chỉ ngồi một chỗ nhiều giờ trong ngày; Tuổi cao ≥ 35.
Sau khi vừa sinhxong, BS sẽ theo dõi đuờng máu của bạn liền để chỉ định liều phù hợp, do tăng nguy cơ hạ đường máu sau sinh, đặc biệt nếu có cho con bú. (nên bạn có thể ăn trước hoặc trong khi cho con bú).
Theo dõi sau sinh: Khi bị ĐTĐ thai kỳ, cần được kiểm tra thường xuyên và theo dõi bệnh ĐTĐ (có thể hết sau khi sinh hoặc không), khả năng bị tái phát ở thai kỳ tiếp trong tương lai. Có nhiều khả năng tiến triển bệnh ĐTĐ thực sự thường gặp là ĐTĐ týp 2. Tuy nhiên, nếu như bạn chọn lối sống lành mạnh như: chế độ đinh dưỡng hợp lý và tập thể dục có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ týp 2 trong tương lai.
Tư vấn về dinh dưỡng sau khi chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường máu mục tiêu (Glucose lúc đói 4,5- < 5,5 mmol/l;sau ăn 1 giờ < 7,8 mmol/l; sau ăn 2 giờ < 6,7 mmol/l) và ngăn chặn nhiễm toan ceton (ceton qua được rau thai, khi ceton máu mẹ tăng sẽ làm tổn thương thần kinh trung ương của trẻ trẻ có thể kém thông minh hoặc bại não) và cung cấp đầy đủ năng lượng để tăng cân hợp lý giúp cho thai nhi phát triển bình thường.
Các yếu tố chính để xem xét khi tạo ra một chế độ dinh dưỡng là: số lượng calo, lượng carbohydrate (tinh bột) và phân phối calo/ngày. Chế độ ăn uống và tập thể dục nên được điều chỉnh từ từ để đạt được mức đường máu bình thường của bạn.
Nhờ vào sự tiến bộ trong Y học, việc theo dõi và chăm sóc các bà mẹ mang thai bị ĐTĐ nay đã tốt hơn và việc phát hiện ra những sản phụ bị ĐTĐ thai kỳ để có chế độ chăm sóc theo dõi, can thiệp cũng tốt hơn. Điều này có được là nhờ sự phối hợp giữa các BS chuyên khoa Nội tiết, Dinh dưỡng, Sản khoa, và ngay cả với BS Nhi khoa, làm cho cuộc sống hay quá trình mang thai của bạn trở nên không quá căng thẳng.
Hiện nay phòng khám tư vấn ĐTĐ của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn đang triển khai nghiệm pháp chẩn đoán sớm ĐTĐ thai kỳ; nhằm giúp cho các thai phụ kiểm soát tốt nhất đường máu, để phòng các biến chứng có thể xẩy ra cho thai nhi và sản phụ không may bị mắc ĐTĐTK.
Mọi chi tiết xin liên hệ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bắc Kạn, địa chỉ; Tổ 10 phường Nguyễn Thị Minh Khai thành phố Bắc Kạn chi tiết Bác sỹ chuyên khoa cấp I Nội –Nội tiết Đoàn Mạnh Thịnh ĐT; 02813. 878.159; DD 0912 062 574.
Bs Đoàn Mạnh Thịnh