Trong các yếu tố được chứng minh, thói quen ăn mặn, ăn quá nhiều muối là một trong các yếu tố làm gia tăng đáng kể chỉ số huyết áp của mỗi người.
Trong các yếu tố được chứng minh, thói quen ăn mặn, ăn quá nhiều muối là một trong các yếu tố làm gia tăng đáng kể chỉ số huyết áp của mỗi người.

Đo huyết áp tại Trạm Y tế Hương Nê huyện Ngân Sơn
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu, hay còn gọi là huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương, hay còn gọi là huyết áp tối thiểu ≥90 mmHg.
Tại Việt Nam hiện nay 25% người lớn từ 25 tuổi trở lên mắc bệnh tăng huyết áp và tỷ lệ này ngày càng gia tăng. Tỉnh Bắc Kạn hiện nay, quản lý hơn 13.190 bệnh nhân tăng huyết áp; riêng 3 tháng đầu năm năm 2018 phát hiện 619 bệnh nhân mắc mới, 572 bệnh nhân có biến chứng do tăng huyết áp và 41 bệnh nhân tử vong do biến chứng của tăng huyết áp.
Bệnh tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có biểu hiện cụ thể, nhưng lại gây nhiều biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Một số biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…
Theo các chuyên gia y tế, đa số các trường hợp tăng huyết áp ở người trưởng thành không tìm ra nguyên nhân, nhưng có một số yếu tố được chứng minh làm tăng nguy cơ tăng huyết áp: Ăn mặn; hút thuốc lá, thuốc lào;Uống nhiều rượu,bia; Béo phì; Ít vận động thể lực;Mắc các bệnh: thận, đái tháo đường;Rối loạn chuyển hóa mỡ máu; Căng thẳng, lo âu quá mức; Tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc tăng huyết áp; Gia đình có người mắc tăng huyết áp.
Trong các yếu tố trên, thói quen ăn mặn, ăn nhiều muối là một trong các yếu tố làm gia tăng đáng kể chỉ số huyết áp của mỗi người”.
Muối (bao gồm muối, nước mắm, nước tương, bột canh, mì chính…) là gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hàng ngày. Muối có vai trò quan trọng trong sự tồn tại và hoạt động bình thường của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo , mỗi người chỉ nên ăn không quá 5 gam muối mỗi ngày, đối với trẻ em nhu cầu muối còn ít hơn.Trên thực tế, mức tiêu thụ muối trung bình của người Việt Nam hiện nay vào khoảng 10 đến 15 gam muối mỗi ngày, cao gấp 2 đến 3 lần so với khuyến cáo.
Chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch,ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương... Đặc biệt, lượng muối tiêu thụ hàng ngày là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến số đo huyết áp, ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Để phòng tăng huyết áp, bên cạnh việc tăng cường các hoạt động thể lực, duy trì cân nặng ở giới hạn hợp lý, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia, thì việc thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, đặc biệt là ăn giảm muối đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Mọi người cần thực hiện ăn giảm muối, đảm bảo lượng muối đưa vào cơ thể là dưới 5 gam mỗi ngày. Đối với người đã mắc bệnh, cần giảm ăn muối hơn nữa theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Cách ước lượng 5g muối trong các loại gia vị chứa nhiều muối:
Muối: 5g tương đương 1 thìa cafe đầy.
Bột canh: 8g tương đương 1,5 thìa cafe đầy.
Hạt nêm: 11g tương đương 2 thìa cafe đầy.
Nước mắm: 26g tương đương 2,5 thìa canh đầy.
Xì dầu: 35g tương đương 3,5 thìa canh đầy”.
Để giảm muối, cần thường xuyên thực hiện các biện pháp: Cho bớt muối, nước mắm, bột canh, mì chính khi chế biến thức ăn. Bỏ hoặc giảm bát nước chấm trên bàn ăn. Đây là nguồn cung cấp muối chủ yếu tổng lượng muối ăn đưa vào cơ thể.
Hạn chế các thực phẩm mặn như dưa, cà muối, thức ăn nhanh(mì ăn liền, phở gói); thực phẩm chế biến sẵn (như giò, chả, xúc xích, lạp xường, cá khô, thực phẩm đóng hộp…). Thường thì đây là các loại thực phẩm mặn,chứa nhiều muối.
Vì vậy, để phòng bệnh tăng huyết áp cho bản thân và gia đình, mỗi gia đình, mỗi cá nhân cần thực hiện ngay hành đồng: Cho bớt muối - chấm nhẹ tay - giảm ngay đồ mặn.
Văn Quản
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật