Yếu tố nguy cơ, chẩn đoán, cách tiếp cận mới về dự phòng và chữa bệnh động mạch vành

Bệnh tim mạch bao gồm: bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh động mạch vành (ĐMV) và xơ vữa ĐMV, bệnh tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim,…bệnh ĐMV chiếm 2/3 tổng số tử vong do các loại bệnh tim mạch. Vậy bệnh ĐMV và xơ vữa ĐMV là gì? Làm thế nào để biết mình bị bệnh ĐMV? Bệnh ĐMV nguy hiểm như thế nào? Yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐMV là gì? Làm thế nào để phòng và điều trị khỏi được ĐMV?

1. Bệnh ĐMV và xơ vữa ĐMV là gì?

Trước tiên chúng ta cần hiểu ĐMV là gì? ĐMV là động mạch có hai nhánh phải và trái được xuất phát từ động mạch chủ, chạy vòng quanh trái tim để nuôi dưỡng trái tim của chúng ta, nên được gọi là ĐMV. Bình thường ĐMV trơn chu, mềm mại để đưa máu đều đặn đi nuôi trái tim sau mỗi nhát bóp của tim. ĐMV bị bệnh là do bị hẹp, không đưa máu đủ để nuôi trái tim hoặc tắc hoàn toàn gây nhồi máu cơ tim (NMCT). Nguyên nhân ĐMV bị hẹp là do mỡ bám vào lớp áo trong của ĐMV làm cho ĐMV bị xơ vữa; lâu ngày mảng xơ vữa dầy lên làm hẹp dần lòng ĐMV; từ đó gây ra các biểu hiện lâm sàng cho người bệnh. Vậy bệnh ĐMV chính là bệnh xơ vữa ĐMV, xơ vữa ĐMV là bệnh thường gặp nhất của hệ động mạch nói chung, nhưng hay gặp nhất ở ĐMV.

Các mảng xơ vữa phát triển đến khi tắc hẳn hoặc mảng xơ vữa bị viêm, nứt ra; các tiểu cầu đến bít lại, tạo nên cục máu đông cũng làm tắc hẳn ĐMV. Nếu ĐMV bị hẹp thì chỉ làm giảm lưu lượng máu đến nuôi cơ tim, sẽ dẫn đến các triệu chứng mãn tính của ĐMV. Nếu ĐMV bị tắc hoàn toàn sẽ dẫn đến các triệu chứng cấp tính của ĐMV là NMCT. Các triệu chứng mãn tính và cấp tính của ĐMV có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng đều được gọi chung là bệnh của ĐMV, gồm:

anh tin bai

2. Làm thế nào để biết mình bị bệnh ĐMV?

Để biết một người có bệnh ĐMV hay không, chúng ta căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng và các công cụ thăm dò cận lâm sàng.

2.1. Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của ĐMV được phân ra làm hai mức độ nhẹ (mãn tính) là thiếu máu cơ tim và nặng (cấp tính) là NMCT.

Thiếu máu cơ tim (TMCT) có hai dạng là cơn đau thắt ngực ổn định và không ổn định: Cơn đau thắt ngực ổn định là do ĐMV bị hẹp nhẹ, thi thoảng mới đau và đau theo chu kỳ. Cơn đau thắt ngực không ổn định là cơn đau ngực dày hơn, đau dữ dội và dày hơn, có khi ngày nào cũng có một cơn đau.

Đặc điểm của cơn đau thắt ngực do bệnh ĐMV là thường xảy ra sau gắng sức, khi lo lắng, quá xúc động,  đỡ khi nghỉ ngơi; đau như thắt, bóp nghẹt hoặc đè nặng sau xương ức, đau lan ra sau lưng hoặc lan lên cổ, cằm và xuống cánh tay; có trường hợp lan xuống vùng thượng vị. Thời gian cơn đau thường kéo dài vài phút. Thời gian của cơn đau không bao giờ quá 30 phút và giảm khi nghỉ ngơi hoặc được dùng thuốc giãn ĐMV.

NMCT là cơn đau thắt ngực không ổn định nặng, do ĐMV bị hẹp lâu, mức độ hẹp gần hết lòng ĐMV; đến một “ngày xấu trời” nào đó, chỗ hẹp của ĐMV sẽ tắc hoàn toàn; gây nên một cơn đau ngực dữ dội, đau như dao đâm. Thời gian của cơn đau thường trên 30 phút, khi nghỉ ngơi hoặc khi được dùng thuốc giãn ĐMV đều không giảm; nếu không cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Tuy nhiên đối với người bệnh ĐMV mà mắc đái tháo đường thì cơn đau thắt ngực rất nhẹ, cảm giác hơi khó thở, kể cả khi NMCT thì triệu chứng cơn đau cũng như vậy, nên người bệnh không để ý và nhanh chóng tử vong. Nguyên nhân là người mắc bệnh đái tháo đường bị tổn thương hệ thần kinh tim, nên giảm nhạy cảm đau. Lúc này người nhà không biết tại sao đang bình thường mà lại tử vong nhanh như vậy nên cho là “đột tử”.

Ngoài triệu chứng đau ngực còn có các triệu chứng khác như tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, khó thở, choáng váng, buồn nôn, nôn.v.v…

2.2. Công cụ thăm dò cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: 4 chỉ số mỡ máu, men tim,… điện tim, siêu âm tim thường, điện tim gắng sức, siêu âm tim gắng sức; chụp ĐMV qua da, chụp CT Scan ĐMV, chụp DSA (Digital Subtraction Angiography: chụp mạch máu số hóa xóa nền) ĐMV.

anh tin bai
 

3. Bệnh động mạch vành nguy hiểm như thế nào? Bệnh ĐMV rất nguy hiểm, có hai dạng cấp tính và mãn tính

3.1. Cấp tính: Là NMCT và các biến chứng có thể xảy ra cùng hoặc sau NMCT như rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh kịch phát, nhịp nhanh thất, rung thất, rung nhĩ, block nhĩ thất hoàn toàn,…Ngoài ra còn có tổn thương cơ học sau NMCT như đứt dây chằng van hai lá, ba lá, thủng vách liên thất, thủng thành tự do thất trái, thất phải,…gây suy tim cấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của NMCT và các biến chứng của NMCT rất cao ngay cả khi người bệnh ở trong bệnh viện tim mạch với đầy đủ phương tiện cấp cứu, hồi sức.

3.2. Mãn tính: Là các triệu chứng của TMCT, cơn đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định. Các triệu chứng mãn tính này của ĐMV sẽ gây suy tim mãn tính, lâu dần dẫn đến suy tim toàn bộ, không hồi phục và sớm tử vong.

Việc điều trị biến chứng của bệnh ĐMV như hiện nay là rất tốn kém, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng không được cải thiện. Người bệnh phải phụ thuộc vào thuốc tây do phải dùng thuốc suốt đời; chịu các tác dụng phụ của thuốc như suy gan, suy thận, rối loạn cương, ung thư.v.v…

4. Yếu tố nguy cơ (YTNC) mắc bệnh ĐMV là gì?

Có 03 YTNC không thay đổi được sẽ có nguy cơ mắc bệnh ĐMV như tuổi cao, giới tính nam, gia đình có người mắc bệnh ĐMV. Có 6 YTNC thay đổi được là hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì và ít vận động.

4.1. Hút thuốc lá: Các chất trong khói thuốc lá làm tăng sự bám dính của mỡ máu làm cho ĐMV dày lên, sẽ tăng nhanh quá trình xơ vữa làm hẹp lòng ĐMV.

4.2. Tăng huyết áp: Tăng huyết áp làm tổn thương lớp áo trong của ĐMV, làm viêm, nứt mảng xơ vữa gây tắc ĐMV, tăng huyết áp làm tăng lắng đọng mỡ vào thành ĐMV, làm cho ĐMV nhanh xơ vữa và nhanh hẹp lại. Tăng huyết áp làm phì đại tâm thất trái, gây tăng nhu cầu tiêu thụ oxy cơ tim nhưng lại làm giảm lưu lượng máu đến ĐMV vành ở kỳ tâm trương, nên càng gây thiếu máu cho ĐMV. Từ đó sẽ làm tăng thêm các triệu chứng của bệnh ĐMV.

4.4. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Rối loạn chuyển hóa mỡ máu gồm tăng Cholesterol, Tryglycerit, tăng LDL-c, giảm LDL-c. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu sẽ làm tăng mỡ máu lắng đọng vào thành ĐMV, dần gây hẹp ĐMV.

4.5. Đái tháo đường: Đái tháo đường gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu, làm tăng nhanh xơ vữa ĐMV, đái tháo đường còn làm lu mờ triệu chứng của bệnh ĐMV nên rất dễ tử vong mà không có triệu chứng báo trước.

4.6. Béo phì và ít vận động: Béo phì làm cho tim làm việc quá tải, bệnh ĐMV sẽ nặng thêm; ít vận động làm cho cơ tim không không được rèn luyện, kém giai sức; làm cho mỡ máu dễ bám vào thành ĐMV dễ hơn, nên chỉ vận động nhẹ đã làm cho ĐMV không cung cấp máu đủ để nuôi cơ tim.

anh tin bai

5. Làm thế nào để phòng và điều trị khỏi được ĐMV?

Tin vui hiện nay là bệnh ĐMV có thể phòng và chữa khỏi hoàn toàn, để phòng bệnh được mỗi người đều phải dự phòng tốt để không có các YTNC trên. Nếu có một trong các YTNC trên thì cần phải sớm loại bỏ hoặc điều trị cho ổn định (trừ các YTNC không thể thay đổi được). Để phòng và chữa khỏi hoàn toàn bệnh ĐMV thì phương pháp mới nhất hiện nay là không dùng thuốc, nghĩa là chữa lành tự nhiên; chỉ cần luyện tập và thay đổi lối sống, đưa “thức ăn chữa bệnh” vào cơ thể hàng ngày thì sẽ chặn đứngđảo ngược bệnh ĐMV. Phương pháp phòng, điều trị cũ và mới hiện nay là:

5.1. Phương pháp cũ:

5.1.1. Chế độ ăn uống và luyện tập

Thực hiện chế độ ăn giảm thức ăn động vật, giảm trứng sữa, phủ tạng động vật, ăn dầu thực vật thay mỡ động vật, tăng cường ăn cá; tăng cường ăn các loại rau, củ quả. Luyện tập thể dục vừa phải, ít nhất 30phút/ngày.

5.1.2. Dùng thuốc hoặc can thiệp tim mạch

Điều trị bệnh ĐMV mãn tính (điều trị TMCT, cơn đau thắt ngực ổn định và không ổn định): Dùng các thuốc dãn ĐMV, nếu có rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì dùng thuốc hạ mỡ máu, nếu có tăng huyết áp thì dùng thuốc hạ huyết áp. Phương pháp điều trị này gọi là điều trị triệu chứng, điều trị phần ngọn của bệnh, phải lệ thuộc vào thuốc suốt đời; nhưng vẫn có nguy cơ bị biến chứng bệnh ĐMV cấp là NMCT.

Điều trị bệnh ĐMV cấp tính (NMCT): Có hai phương pháp là đặt Stent và mổ bắc cầu ĐMV, đây là phương pháp điều trị tạo lưu thông dòng chảy trong ĐMV. Cả hai phương pháp đều không  điều trị triệt để bệnh ĐMV được mà chi phí cực kỳ tốn kém. Chi phí cho đặt 01 Sten từ 80-100 triệu đồng; chi phí mổ bắc cầu ĐMV từ 120-150 triệu đồng.

Đặt Stent ĐMV: Tỷ lệ tử vong của kỹ thuật này là 1-2%, thực tế đặt Stent chỗ này thì sau một thời gian ĐMV vẫn có thể hẹp chỗ khác, thậm chí tắc hẹp trong Stent.

Mổ bắc cầu: Tỷ lệ tử vong của kỹ thuật này là 4-5%, cũng giống như đặt Stent, nếu bắc cầu chỗ này thì ĐMV vẫn có thể bị hẹp ở chỗ khác. Sau một thời gian có thể bị tắc cầu, tắc miệng nối, thoái hóa cầu.

5.2. Phương pháp mới phòng và điều trị khỏi tận gốc bệnh ĐMV

Chỉ có duy nhất là ăn uống và luyện tập, cơ sở khoa học của phòng và điều trị khỏi tận gốc bệnh ĐMV đã được các nhà khoa học trên thế giới chứng minh, điển hình là 2 nghiên cứu lớn: The China Study của Ts.Tcolin Campbell và nghiên cứu chặn đứng và đảo ngược bệnh ĐMV của Bs. Esselsty; người đã từng giúp Tổng thống Mỹ Bill Clinton khỏi hẳn căn bệnh ĐMV, không phải mổ hay đặt Stent.

Bác sỹ Esselstyn nghiên cứu dùng chế độ ăn kiêng để điều trị các bệnh nhân mắc bệnh ĐMV có chỉ định mổ bắc cầu hay đặt Stent nhưng không mổ vì sợ mổ, không đủ chi phí, lý do tôn giáo…. Những bệnh nhân này sau khi đồng ý tham gia nghiên cứu sẽ được áp dụng chế độ ăn toàn thực vật, không dầu mỡ. Kết quả rất tuyệt vời, tất cả các bệnh nhân mà tuân thủ đúng chế độ ăn đều cải thiện về lâm sàng và chỉ số cận lâm sàng. Hình ảnh chụp ĐMV sau 3 năm cải thiện rõ rệt, hầu như khỏi hẳn xơ vữa động mạch.

Bác sỹ Esselstyn kết luận: ĐMV bình thường có thể trở thành ĐMV bị bệnh do người đó cho thức ăn gây bệnh vào người. Ngược lại ĐMV bị bệnh cũng có thể trở thành ĐMV bình thường do người đó cho thức ăn chữa bệnh vào người.

The China Study của Ts T.Colin Campbell là cuốn sách nghiên cứu dịch tễ học về dinh dưỡng và bệnh mãn tính. Suốt 20 năm nghiên cứu, ông đã chứng minh rõ được mối liên quan của dinh dưỡng và các bệnh mãn tính trong đó có bệnh ĐMV. Nếu con người chỉ ăn thức ăn thuần thực vật thì sẽ không có bệnh ĐMV và không có các bệnh mãn tính khác như đái tháo đường, mỡ máu, gout, ung thư.v.v...Dinh dưỡng đang và sẽ là một hướng đi mới để kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

Bs. Nguyễn Thái Hồng, PGĐ Trung tâm

kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn

Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 67
  • Trong tuần: 8 333
  • Tất cả: 1156082
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập