NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM NĂM 2021

Bảo hiểm y tế Việt Nam có nhiều điểm mới hướng tới quyền lợi của người dân và tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia khám-chữa bệnh.

anh tin bai

Người dân sử dụng thẻ BHYT khám bệnh tại TTKSBT tỉnh Bắc Kạn.

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước ban hành, được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật với mục tiêu chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận. Năm 2021, pháp luật Việt Nam đã có quy định những chính sách bảo hiểm mới.

1. Điều chỉnh đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình

Nội dung này được đề cập tại Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Khoản 2 Điều 38 Luật cư trú sửa đổi Khoản 7 Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014, 2015, 2018) như sau:

– Hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

– Trong khi đó, hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế theo quy định hiện nay bao gồm toàn bộ người có tên trong Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú.

Điểm mới: Đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình từ ngày 01/7/2021 là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì có tên cùng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như hiện nay.Được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh.

Theo Khoản 3 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì từ năm 2021 người có thẻ Bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến với tỷ lệ sau:Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;  Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước; Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Theo đó, từ ngày 1/1/2021 người dân có thẻ Bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị.

* Chính sách bảo hiểm y tế mới có hiệu lực từ tháng 3/2021:

Từ tháng 3 năm 2021 là thời điểm có hiệu lực của Thông tư 27/2020/TT-BYT và Thông tư 30/2020-BYT điều chỉnh chính sách mới về Bảo hiểm y tế sẽ được áp dụng từ tháng 3.

Quy định này được áp dụng từ ngày 01/3/2021.

2. Thêm nhiều trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến từ 01/3/2021

Điều 6 Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế đã liệt kê cụ thể các trường hợp được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến đó là:Người tham gia Bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh đúng cơ sở ghi trên thẻ Bảo hiểm y tế; Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám ở các cơ sở khác cũng tuyến trên địa bàn tỉnh; Người tham gia bảo hiểm y tế trong tình trạng cấp cứu được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở nào trên phạm vi toàn quốc; Người tham gia bảo hiểm y tế được chuyển tuyến; Người có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian công tác, làm việc lưu động, tạm trú…và khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh cũng tuyến hoặc tương đương cơ sở đăng ký ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế; Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định;  Người hiến bộ phận cơ thể mình phải điều trị ngay khi hiến bộ phận cơ thể; Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

Theo đó, tại  Thông tư 30/2020/TT-BYT đã có thêm 3 trường hợp được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến bao gồm: (1) Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định, (2) Người hiến bộ phận cơ thể mình phải điều trị ngay khi hiến bộ phận cơ thể, (3) Trẻ sơ sinh phải điều trị ngay sau khi sinh ra.

3. Hướng dẫn về thanh toán thuốc đông y, vị thuốc y học cổ truyền

Được quy định tại Thông tư 27/2020/TT-BYT thay thế cho Điều 5 Thông tư 05/2015/TT-BYT và quỹ Bảo hiểm y tế vẫn thanh toán chi phí thuốc, vị thuốc, thuốc thang sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thuốc do cơ sở khám chữa bệnh bào chế dựa vào số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh, giá mua vào, chi phí hao hụt theo quy định và các chi phí khác.

Tuy nhiên, quy định mới đã có sự điều chỉnh về các loại chi phí được Qũy bảo hiểm y tế thanh toán với các trường hợp sau:

– Đối với vị thuốc: Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh mua dược liệu để chế biến, bào chế vị thuốc. Qũy bảo hiểm y tế thanh toán chi phí dược liệu theo giá mua vào của khám chữa bệnh và các chi phí sau: Chi phí hao hụt trong chế biến, bảo quản, cân chia (nếu có); Chi phí phụ liệu làm thuốc; Chi phí chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu; Chi phí bao bì đóng gói (nếu có); Chi phí nhân công thực hiện (quy định mới); Chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc.

– Đối với thang thuốc có thành phần từ các vị thuốc trong danh mục quy định. Được thanh toán các chi phí sau đây: Chi phí vị thuốc theo quy định mới; Chi phí sắc thuốc; Chi phí bao bì đóng gói (nếu có) khi cơ sở khám chữa bệnh không thực hiện sắc thuốc tại cơ sở cho người bệnh (Trước đây cơ sở khám chữa bênh chỉ được thanh toán chi phí đóng gói bao bì khi khi tổ chức sắc thuốc tại cơ sở).

– Đối với thuốc do cơ sở khám chữa bệnh tự bào chế. Được thanh toán các chi phí sau đây: Chi phí dược liệu theo giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh hoặc chi phí vị thuốc theo quy định; Chi phí hao hụt (nếu có); Chi phí tá dược, phụ liệu làm thuốc; Chi phí chế biến, bào chế bao gồm điện, nước, nhiên liệu; Chi phí bao bì đóng gói; Chi phí vật tư, hóa chất, phụ liệu phục vụ hoạt động kiểm tra chất lượng trước khi thực hiện kiểm nghiệm (nếu có); Chi phí kiểm nghiệm về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền; Chi phí nhân công thực hiện; Chi phí quản lý và chi phí khấu hao máy móc.

4. Hướng dẫn về việc đóng Bảo hiểm y tế với một số đối tượng

– Với trẻ sơ sinh cần điều trị ngay kể từ khi được sinh ra mà tử vong

Theo Điều 3 Thông tư 30/2020/TT-BYT, cơ sở khám chữa bệnh phải gửi văn bản thông báo kèm bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của trẻ đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế  để cơ quan bảo hiểm xã hội lập danh sách.Danh sách này sẽ được gửi Sở Tài chính nơi người mẹ cư trú hoặc Sở Tài chính nơi cơ sở khám chữa bệnh đặt trụ sở (với trẻ sơ sinh không có người nhận hoặc bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh) để Sở Tài chính chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế.

– Với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sống trong cơ sở bảo trợ xã hội

Theo Điều 4 Thông tư 30/2020/TT-BYT, những đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình căn cứ vào một trong các giấy tờ sau:Chức sắc, chức việc, nhà tu hành: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội: sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc danh sách có đóng dấu của cơ sở bảo trợ xã hội nơi người đó đang cư trú; Các đối tượng trên đều được thực hiện việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế ngay từ người thứ hai trở đi có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc trong danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội.

5. Cấp thẻ Bảo hiểm y tế mẫu mới

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cung cấp Thẻ bảo hiểm Y tế mẫu mới, được sử dụng trên toàn quốc từ 01/4/2021.Để thuận tiện cho quản lý và truy xuất dữ liệu thông tin nhanh và chính xác.

anh tin bai

Thẻ BHYT mẫu mới

Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn như thẻ Căn cước công dân, thẻ ATM,  được ép plastic sau khi in sẽ tiện lợi về sử dụng và bảo quản. Mẫu thẻ BHYT mới có thay đổi tiện ích hơn cho người dùng, mã số thẻ chỉ còn 10 chữ số thay cho 15 ký tự như thẻ hiện hành, giúp giảm số lượng ký tự cần khai báo, tra cứu, cấp đổi thẻ.

Với thẻ BHYT giấy hiện dùng mỗi lần đi khám người bệnh phải mang theo giấy tờ tùy thân, phải cấp hàng năm, gây chậm chễ, dễ sai lệch thông tin, dễ thất lạc, thẻ BHYT điện tử sẽ giải quyết được các vấn đề này. Trong thời gian chờ đổi thẻ BHYT mẫu  mới, thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT nếu còn thời hạn thì tiếp tục sử dụng. BHXH các tỉnh thực hiện cấp  thẻ BHYT mẫu mới khi đã cấp hết phôi thẻ mẫu cũ.

Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam đã có 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ.

Nhứng đổi mới về Thẻ BHYT Việt Nam năm 2021 đều hướng tới thuận tiện cho người dân./.

 

BS CKI. Sầm Hiền

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn


Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 1098
  • Trong tuần: 10 914
  • Tất cả: 1165766
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập