image banner
Nhiễm khuẩn tiêu hoá và cách phòng tránh

Nhiễm khuẩn tiêu hóa hay còn gọi là nhiễm trùng đường ruột là tình trạng tổn thương đường tiêu hóa xảy ra do sự tấn công của các loại vi sinh vật gây hại (bao gồm vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng). Bệnh nhiễm trùng đường ruột lây bệnh chủ yếu qua đường ăn uống, khi ăn phải những thực phẩm, nguồn nước có chứa vi sinh vật gây bệnh.

Nguyên nhân và đường lây nhiễm

Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tiêu hóa:  Một số loại vi khuẩn gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột thường hay gặp bao gồm: Staphylococcus aureus, E.coli, Salmonella, Campylobacter, Listeria, Bacillus cereus, Vibrio, Clostridium botulinum…

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) thường có mặt trên da, niêm mạc mũi họng của con người cũng như động vật và đặc biệt là ở vú bò sữa bị viêm. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào thực phẩm qua quá trình chế biến hoặc bảo quản không đảm bảo vệ sinh, chúng có thể phát triển và sản sinh ra các loại độc tố enterotoxin chịu nhiệt. Khi con người ăn phải thực phẩm chứa độc tố này, nó gây kích thích niêm mạc ruột, dẫn đến triệu chứng ngộ độc thực phẩm, bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng,…

Tiêu chảy Vi khuẩn E. coli: được tìm thấy trong ruột của người và động vật, đa số là các chủng vô hại. Tuy nhiên, một số chủng ngoại lệ như ETEC, EPEC, EIEC… có khả năng tiết ra độc tố, gây đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy ra máu. Nhóm vi khuẩn có hại này thường lây lan thông qua nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm tiếp xúc với phân động vật…

Virus gây nhiễm khuẩn tiêu hóa: có 2 loại virus điển hình gây ra tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa bao gồm:

Virus rota: là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn tiêu hóa ở trẻ em. Con đường lây lan chủ yếu do chạm vào đồ vật nhiễm virus sau đó đưa tay lên miệng mà không vệ sinh.

Virus noro: Là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày - ruột. Virus có khả năng lây lan giữa người với người trong một phạm vi không gian hẹp. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp virus lây qua nguồn nước hoặc thực phẩm ô nhiễm, hoặc do tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus

Ký sinh trùng gây nhiễm khuẩn tiêu hoá

Nhiễm ký sinh trùng Giardia: Thường gặp nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi. Theo thống kê tại Việt Nam tỷ lệ trẻ bị nhiễm loại ký sinh trùng này lên đến 15%. Thường lây qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc qua tiếp xúc với người bệnh.

Nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium: Gây tiêu chảy cấp tính, đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Loại ký sinh trùng này nguy hiểm ở chỗ nó gây ảnh hưởng đến cả đường ruột và hệ hô hấp, làm suy giảm sức đề kháng, hệ thống miễn dịch dẫn đến tiêu chảy kéo dài.

Một số dấu hiệu thông thường của người bị nhiễm trùng đường ruột:

Người bệnh có triệu chứng đau bụng, với đặc điểm là co thắt ở vùng bụng và đau thành từng cơn sau 3 – 5 phút, đau diễn ra liên tục. Đi ngoài ra phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón, chán ăn, buồn nôn, ăn không ngon miệng.

Ngoài ra, một số triệu chứng nhiễm khuẩn khác ở người bệnh có thể kể đến như: rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, hội chứng kích thích đường ruột, ngứa da… Bên cạnh đó, các vi sinh vật gây bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa có thể gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác như nhiễm siêu vi đường hô hấp, nhiễm trùng xoang mũi, ho…Do sự tác động của các chất kích thích như nấm men hoặc tình trạng mất nước trong hệ thống tiêu hóa sẽ làm tăng nguy cơ nhức đầu ở người bệnh.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chạm vào vật nuôi là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

2. Chế biến thực phẩm an toàn: Thực phẩm cần được nấu chín kỹ, bảo quản đúng cách và tránh để lẫn lộn giữa thực phẩm sống và chín. Tránh sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh.

3. Uống nước sạch: Sử dụng nguồn nước sạch, nếu không chắc chắn có thể đun sôi hoặc sử dụng các biện pháp lọc nước an toàn.

4. Quản lý vệ sinh môi trường: Đảm bảo vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nhất là nhà bếp và nhà vệ sinh.

5. Sử dụng thực phẩm tươi sống và đảm bảo vệ sinh: Chọn mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm. Tránh ăn salad tươi, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng, không đảm bảo vệ sinh.

6. Tiêm vắc xin: Một số bệnh nhiễm khuẩn tiêu hóa như viêm gan A và Rotavirus có thể phòng ngừa bằng cách tiêm/uống vắc xin.

Bs. Triệu Hồng - CDC

1 2 3 4 5  ... 
Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 770
  • Trong tuần: 12 553
  • Tất cả: 1723335
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập