Những điều cần biết về vắc xin phòng virus HPV (Virus gây Ung thư cổ tử cung)
Hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh do virus HPV đang tăng cao ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Virus HPV có thể gây ra nhiều bệnh ung thư nguy hiểm, trong đó ung thư cổ tử cung do nhiễm virus HPV là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tiêm vắc xin phòng HPV, kết hợp với việc áp dụng các phương pháp sàng lọc là những biện pháp hiệu quả để phòng chống lại căn bệnh nguy hiểm này, giúp tiết kiệm chi phí y tế, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất cho phụ nữ.
Virus HPV là gì?
HPV là tên của một nhóm virus phổ biến, tên khoa học là Human Papillomavirus thường gây u nhú ở người. Các nhà khoa học đã xác định được hơn 170 chủng HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 chủng gây bệnh ở bộ phận sinh dục và là tác nhân chính tạo tiền đề tiến triển của một số loại ung thư. Các chủng HPV khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau. Đa phần các type HPV là lành tính, chủ yếu gây mụn cóc ở ngoài da. Một số chủng virus có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như sùi mào gà (chủng 6,11…) và nguy cơ gây ung thư (type 16,18,…). Theo nghiên cứu, có đến 11-12% dân số thế giới (tương đương 700-800 triệu người) hiện đang nhiễm HPV ở cả nam và nữ. Ở Việt Nam, tỉ lệ nhiễm HPV vào khoảng 8 -11% tùy vùng miền. Có ít nhất 50% phụ nữ đã nhiễm HPV 1 lần trong đời, nhưng có trên 90% trường hợp nhiễm HPV sẽ tự đào thải vi rút trong vòng 2 năm, khoảng 10% các trường hợp vẫn còn virus HPV sau 3 năm và có dưới 5% tiến triển thành tổn thương CIN2 (giai đoạn loạn sản ở mức độ vừa phải) hoặc nặng hơn trong 3 năm. Tổn thương xâm lấn cổ tử cung bắt đầu xuất hiện sau khoảng 13-15 năm, trong đó 20% CIN3 (giai đoạn loạn sản ở mức độ nặng) tiến triển thành ung thư trong 5 năm và 50% CIN3 tiến triển thành ung thư trong vòng 30 năm. Tỷ lệ nhiễm cao nhất nằm trong độ tuổi từ 20-30, có thể lên đến 20-25% trong quần thể. Điều đáng sợ là nó tiến triển âm thầm, dai dẳng không để lại triệu chứng gì nhiều năm thậm chí là hàng chục năm cho đến khi người mắc phát hiện ra ung thư.
Vắc xin phòng virus HPV
Vắc xin phòng virus HPV (thường gọi là vắc xin phòng Ung thư cổ tử cung) là loại vắc xin giúp cơ thể tạo ra khả năng miễn dịch để chống lại virus HPV (Human Papillomavirus), được sản xuất theo công nghệ DNA tái tổ hợp. Hiện nay tại Việt Nam có 2 loại vắc xin phòng HPV đã được cấp phép sử dụng là Gardasil 9 và Gardasil 4. Vắc xin ngừa HPV có khả năng phòng ngừa các bệnh lý do nhiễm virus HPV gây ra như mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, ung thư hầu họng,
Gardasil 4 (phòng 4 chủng): Gardasil 4 là một vắc xin của Tập đoàn Dược phẩm Merck Sharp & Dohme đến từ Mỹ. Vắc xin này có khả năng phòng ngừa hiệu quả 4 type HPV phổ biến nhất là 6, 11, 16 và 18 gây ra các tổn thương tiền ung thư, các bệnh ung thư ác tính như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, loạn sản, mụn cóc sinh dục.
vắc xin Gardasil 4
Đối tượng tiêm: Vắc xin được chỉ định tiêm cho trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi từ 9-26 tuổi và được khuyến cáo nên tiêm trước khi quan hệ tình dục để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Phác đồ, lịch tiêm: Lịch tiêm của vắc xin Gardasil (Mỹ): Phác đồ 3 mũi (0-2-6):
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên
- Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 6 tháng sau mũi 1
Gardasil 9 (phòng 9 chủng): Gardasil 9 là sản phẩm vắc xin cải tiến, kế thừa và phát triển từ Gardasil 4, được xem là vắc xin bình đẳng giới vì mở rộng cả đối tượng và phạm vi phòng bệnh rộng hơn ở nam và nữ giới, bảo vệ khỏi 9 tuýp virus HPV phổ biến 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 gây bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản…, với hiệu quả bảo vệ lên đến trên 90%.
vắc xin Gardasil 9
Đối tượng tiêm: Vắc xin Gardasil 9 được chỉ định tiêm chủng cho cả nam giới và nữ giới, từ 9 đến 45 tuổi.
Phác đồ, lịch tiêm:
* Người từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên có thể áp dụng 1 trong 2 phác đồ sau:
- Phác đồ 2 mũi:
+ Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
+ Mũi 2: cách mũi 1 từ 6-12 tháng.
Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 < 5 tháng, cần tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
- Phác đồ 3 mũi (0-2-6):
+ Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
+ Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
+ Mũi 3: cách mũi 1 ít nhất 6 tháng.
* Người từ tròn 15 tuổi đến 45 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên có thể áp dụng 1 trong 2 phác đồ sau:
- Phác đồ 3 mũi (0-2-6):
+ Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
+ Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
+ Mũi 3: cách mũi 1 ít nhất 6 tháng.
- Phác đồ tiêm nhanh (0-1-4) tất cả 3 liều phải tiêm trong vòng 1 năm
+ Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
+ Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
+ Mũi 3: cách mũi 1 ít nhất 4 tháng.
Lưu ý: Tất cả 3 liều đều phải tiêm trong vòng 1 năm để tối đa hóa hiệu quả phòng bệnh của vắc xin HPV.
Vắc xin phòng HPV (phòng Ung thư cổ tử cung) có an toàn không?
Vắc xin HPV đã được chứng minh về tính an toàn và mức độ hiệu quả cao trong việc bảo vệ, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nhiễm virus HPV. Vắc xin HPV trước khi được phê duyệt và cấp phép sử dụng đã được trải qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trên nhiều đối tượng để đảm bảo tính an toàn và tính hiệu quả bảo vệ của miễn dịch.
Đã bị nhiễm HPV có nên tiêm HPV không?
Câu trả lời là có. Vắc xin ngừa HPV không có tác dụng điều trị, nhưng virus HPV có nhiều chủng khác nhau, việc nhiễm một chủng không có nghĩa là bạn miễn dịch với các chủng khác. Vắc xin HPV có thể bảo vệ bạn khỏi các chủng HPV mà bạn chưa bị nhiễm. Hoặc nếu bạn từng nhiễm HPV nhưng cơ thể có hệ miễn dịch hoạt động tốt, virus HPV có thể đã được cơ thể đào thải và việc bạn tiêm chủng vẫn đem lại hiệu quả.
Cần xét nghiệm HPV trước khi tiêm không?
Không cần xét nghiệm HPV trước khi tiêm. Tuy nhiên, nếu bạn đã có quan hệ tình dục hoặc nghi ngờ mình có thể đã nhiễm HPV, bạn có thể thảo luận với bác sĩ về việc xét nghiệm trước khi tiêm. Điều này có thể giúp bạn biết mình có nhiễm chủng HPV nào, nhưng không ảnh hưởng đến quyết định tiêm phòng vì vắc xin vẫn có hiệu quả bảo vệ chống lại các chủng HPV chưa bị nhiễm.
Quan hệ tình dục rồi có tiêm HPV được không?
Quan hệ rồi vẫn có thể tiêm vắc xin HPV. Ngay cả khi bạn đã từng quan hệ tình dục, vắc xin vẫn có thể bảo vệ bạn khỏi những chủng virus mà bạn chưa tiếp xúc.
Giá tiêm vắc xin HPV tại Bắc Kạn hiện nay là bao nhiêu?
Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn là đơn vị hàng đầu trong tỉnh cung cấp dịch vụ tiêm chủng giá rẻ, chất lượng với vắc xin được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới. Các loại vắc-xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP. Bảng giá tiêm HPV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn như sau:
Phòng bệnh
|
Tên vắc xin
|
Nước sản xuất
|
Đơn vị tính (mũi tiêm)
|
Giá niêm yết (VNĐ)
|
Vắc xin phòng 4 chủng HPV (6, 11, 16 và 18) gây mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn,…
|
Gardasil 4
|
Mỹ
|
01
|
1.539.600
|
Vắc xin phòng 9 chủng HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) gây mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản,...
|
Gardasil 9
|
Mỹ
|
01
|
2.602.500
|
Tiêm vắc xin HPV không chỉ giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, mà còn có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa nhiều bệnh lý đường sinh dục nguy hiểm khác do nhiễm virus HPV ở cả nam và nữ giới. Liên hệ Hotline Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn: 0383.612.789 để được tư vấn và đặt lịch tiêm chủng./.
Triệu Thị Hồng CDC