BỆNH CÚM VÀ CÚM B: TÁC NHÂN GÂY BỆNH, BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Cúm là bệnh do nhiễm vi rút cúm cấp tính ở đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho; có thể kèm theo các triệu chứng buồn nôn, nôn, ỉa chảy. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Bệnh mắc ở mọi lứa tuổi, nhưng hay mắc ở người chưa tiêm phòng vắc xin cúm, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim, phổi, đái tháo đường, thiếu máu huyết tán hoặc người bị suy giảm miễn dịch thì bệnh sẽ diễn biến nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.

Tác nhân gây bệnh cúm là gì?

Tác nhân gây bệnh cúm làvi rút cúm (Influenza virus), được chia thành 3 týp cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, cúm A là phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Cúm A gồm các chủng như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1….Vi rút cúm B và C chỉ tồn tại và gây bệnh ở người. Cúm B hay gây dịch vào mùa đông hoặc đông xuân và lây truyền quanh năm.

Vi rút cúm dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời và ở nhiệt độ 560C và các chất khử trùng thông thường. Tuy nhiên, vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh và độ ẩm thấp. Ở nhiệt độ 00C đến 40C vi rút sống được vài tuần, âm 200C và đông khô vi rút sống được hàng năm.

Đường lây truyền của bệnh cúm là gì?

Đường lây truyền của bệnh cúmlà đường hô hấp, vi rút có trong các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi, họng rồi phát tán ra ngoài qua ho, hắt hơitrong khoảng cách 2m hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm vi rút, chạm tay rồi đưa lên mắt mũi, miệng làm nhiễm vi rút.

Bệnh lây lan mạnh khi tiếp xúc ở nơi đông người; trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp thì khả năng nhiễm vi rút cúm sẽ cao hơn.

Thời kỳ ủ bệnh, lây truyền bệnhcủa vi rút cúm bao lâu?

Thời gian ủ bệnhcủa bệnh thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày rồi chuyển sang thời kỳkhởỉ phát.Trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang người khoẻ mạnh.

Thời gian lây bệnh từ 1-2 ngày trước khởi phát vàkéo dài đến 5 ngày sau khi khởi phát hoặc hết sốt.

Khả năng nhiễm,sức đề kháng của cơ thể của bệnh cúm như thế nào?

 Mọi người đều có khả năng nhiễm vi rút, ở cả người lớn và trẻ em. Sau khi bị bệnh, sẽ có miễn dịch đặc hiệu với loại vi rút cúm; thời gian miễn dịch rất ngắn do vi rút cúm luôn biến đổi kháng nguyên. Vì vậy miễn dịch có được sau khi khỏi bệnh không bảo vệ được nếu mắc các biến chủng của vi rút cúm.

Vi rút cúm B là gì?

Vi rút cúm B là một loại vi rút cúm, chỉ có một chủng vi rút gây bệnh duy nhất với 2 dòng phổ biến là cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria. So với cúm A, cúm B ít có sự biến đổi hơn.

Vi rút cúm B mặc dù không phổ biến và nguy hiểm như cúm A nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm với các đối tượng sức đề kháng yếu.

Dấu hiệu, triệu chứng của cúm B là gì?

·       Sốt vừa đến sốt cao trên 39oC

·       Ớn lạnh toàn thân

·       Mệt mỏi, chân tay không có lực

·       Hoa mắt, đau đầu

·       Đau nhức cơ, đau khi vận động

Ngoài ra người mắc cúm B còn gặp những triệu chứng của đường tiêu hóa như:

·       Buồn nôn và nôn

·       Đau bụng, tiêu chảy

·       Chán ăn, khô miệng

Mắc cúm B thường sốt mấy ngày?mấy ngày thì khỏivà cần lưu ý những gì?

Người mắc cúm B, sốtkéo dài đến 5 ngàyvà thườngsau 5-7 ngày bệnh tự khỏi. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có thể lâu hơn ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền.

Khi mắc cúm B cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như sau:

·       Trẻ em (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): Khó thở hoặc thở gấp, bỏ ăn, mê man, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38,5oC kéo dài, nôn nhiều…

·       Người lớn: Khó thở hoặc thở gấp, sốt cao trên 39oC kéo dài mà dùng thuốc hạ sốt không giảm; đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn nhiều…

·       Người già, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch có thể xảy ra biến chứng nặng nếu không may mắc cúm mà không được điều trị kịp thời.

Các biến chứng của cúm B là gì?

Các biến chứng do cúm B  về hô hấp là thường gặp nhất, bao gồm:

·       Viêm phổi ngay sau khi mắc cúm B: Sốt liên tục, sốt cao trên 39oC kéo dài 3-5 ngày không hạ, thở nhanh, thở gấp, nặng hơn có thể gây ra suy hô hấp, suy tuần hoàn; ho khạc đờm, run chân tay, da xanh tái.

·       Viêm phổi sau khi mắc cúm B: Thường gặp ở người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, người có đề kháng yếu. Sau khi đã hạ sốt được 2-3 ngày thìsốt cao trở lại và xuất hiện khó thở, đau tức ngực, ho khạc đờm, da xanh tái, suy kiệt, mệt mỏi…

Ngoài ra, cúm B còn làm các bệnh mạn tính của người bệnh trở nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, với những biến chứng như:

·       Tim mạch: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn…

·       Thần kinh: viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh…

·       Với trẻ sơ sinh: viêm tai, viêm xương chũm, nhiễm độc thần kinh.

·       Với phụ nữ mang thai: ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi, nghiêm trọng có thể gây dị tật thai nhi, sảy thai.

Điều trị cúm B như thế nào?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể. Dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn.

Các biện pháp phòng chống dịch cúm B là gì?

Thực hiệnvệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tập trung đông người. Lau rửa sàn nhà, tay nắm cửa, đồ chơi bằng các hóa chất khử khuẩn.v.v…

Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa cúm.Hiện nay một mũi tiêm phòng vắc xin cúm sẽ phòng được đồng thời ba loại vi rút cúm như: cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Thời gian hiệu lực của vắc xin là 01 năm, nên mỗi năm phải tiêm 01 lần. Những người nên tiêm vắc xin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm gồm:

Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng và những người từ 65 tuổi trở lên.

Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính,thiếu máu huyết tán, suy giảm miễn dịch.

Bs. Nguyễn Thái Hồng

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn

Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 153
  • Trong tuần: 8 419
  • Tất cả: 1156168
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập