BÀI 1:
"CHUNG TAY CÙNG TIÊM CHỦNG BẢO VỆ CỘNG ĐỒNG"
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau thời gian thí điểm, Chương trình từng bước được mở rộng cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng. Từ năm 1985, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR.
Đến năm 2010, đã có 11 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình bao gồm vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib.
Sau hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên 95%. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… đã giảm đáng kể.
Nhiều năm qua, mạng lưới tiêm chủng mở rộng từ tuyến tỉnh, huyện, xã, thôn bản trong tỉnh Bắc Kạn đã phát huy tốt vai trò chức năng nhiệm vụ, 100% cơ sở tiêm chủng trên địa bàn đủ điều kiện thực hiện tiêm chủng theo qui định và triển khai áp dụng Hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia trong hoạt động tiêm chủng. Tiêm chủng mở rộng đã trở thành thói quen, là hoạt động thường xuyên ít nhất mỗi tháng 01 lần ở tất cả các thôn bản trên địa bàn tỉnh.
Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc những bệnh do vi sinh vật gây nên.
Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể người chưa bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể đó sản xuất kháng thể, chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh cho cơ thể.
Vắc xin là những chế phẩm được sản xuất từ chính vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi và được tiêm vào cơ thể. Vì vậy vắc xin không có khả năng hoặc hiếm khi gây bệnh cho cơ thể.
Mọi người đều cần phải tiêm chủng để được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Việc tiêm chủng có thể được thực hiện ngay từ lúc trẻ còn rất nhỏ, như: tiêm phòng lao được thực hiện ngay sau khi sinh cho đến suốt đời, viêm gan B được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh...
Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, gồm: lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi và viêm gan siêu vi B. Chương trình áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai và được thực hiện miễn phí tại tất cả các trạm y tế phường, xã và khoa sản của các bệnh viện công lập.
Ngoài ra, tại một số cơ sở y tế được phép tiêm chủng dịch vụ theo yêu cầu, có thể thực hiện tiêm chủng nhiều loại vắc xin phòng các bệnh, như: Viêm gan siêu vi A, B, viêm não Nhật Bản, thương hàn, quai bị, sởi, rubella, thủy đậu, viêm màng não mủ do Hib, viêm màng não mủ do não môcầu, cúm, viêm phổi, bại liệt... cho mọi người dân khi có nhu cầu./.
Phương Thào - KhoaTruyền thông GDSK (CDC Bắc Kạn)