GIẢI PHÁP NÂNG CAO TỶ LỆ TIÊM CHỦNG TẠI CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN CÓ TỶ LỆ TIÊM CHỦNG THẤP
Năm 2014, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ dưới 01 tuổi của tỉnh Bắc Kạn đạt 97,4%. Tuy nhiên qua tổng hợp từ Trung tâm Y tế các huyện, thị xã vẫn còn 31 xã, phường, thị trấn với 91 thôn, bản, tổ phố có trẻ dưới 01 tuổi chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, trong đó có 6 xã phường tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 95%.
Năm 2014, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ dưới 01 tuổi của tỉnh Bắc Kạn đạt 97,4%. Tuy nhiên qua tổng hợp từ Trung tâm Y tế các huyện, thị xã vẫn còn 31 xã, phường, thị trấn với 91 thôn, bản, tổ phố có trẻ dưới 01 tuổi chưa được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, trong đó có 6 xã phường tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 95%.
Tại các thôn,bản, tổ phố có trẻ dưới 01 tuổi không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) được gọi là “Vùng lõm”. Tại các “Vùng lõm” chúng ta phải hết sức quan tâm và cảnh giác bởi vì đây là nơi tiềm ẩn nguồn lây bệnh và có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh do trẻ không được tiêm đầy đủ. Đây cũng là nơi mà trẻ không có miễn dịch phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong TCMR nên sẽ dễ phát sinh ca bệnh, lan truyền thành dịch hoặc đây cũng là nơi mà trẻ dễ dàng lây bệnh từ ca bệnh ở nơi khác đến,rồi bùng nổ thành dịch.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong TCMR tại các “Vùng lõm” về tiêm chủng, chúng ta cần đồng thời và khẩn trương triển khai các giải pháp sau đây:
1. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật
Quản lý thật tốt các trẻ em dưới 01 tuổi để từ năm 2015 này trở đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin cho trẻ dưới 01 tuổi bằng cách cập nhật hàng tháng các trẻ mới sinh, không để sót. Để quản lý được các trẻ mới sinh này cần nắm chắc từng phụ nữ mang thai, dự kiến ngày sinh của các thai phụ này tại các thôn, tổ. Cập nhật các trẻ dưới 01 tuổi theo mẹ từ nơi khác chuyển đến để đăng ký tiêm chủng vào ngày tiêm hàng tháng. Đặc biệt cần nắm chắc, điều tra đi đến từng ngôi nhà xa xôi nhất ở các thôn bản vùng cao; nắm chắc các hộ gia đình mới tách khẩu có trẻ dưới 01 tuổi. Đảm bảo rằng tất cả các trẻ sinh ra trong xã hay trẻ mới chuyển đến đều có tên trong sổ tiêm chủng của Trạm Y tế.
Tổ chức các buổi tuyên truyền cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về tiêm chủng tại các “Vùng lõm”. Nội dung tuyền truyền tập trung vào lịch tiêm chủng, lợi ích của tiêm chủng, nhất là tiêm chủng đúng lịch, tính an toàn của tiêm chủng, của vắc xin, cách theo dõi xử lý các phản ứng sau tiêm chủng.
Đảm bảo tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin cho tất cả các trẻ <01 tuổi và tiêm DPT mũi 4, sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi.Tổ chức thật tốt các điểm tiêm chủng ngoài trạm để trẻ dễ dàng tiếp cận với tiêm chủng.
Tăng cường giám sát các ca bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng tại “Vùng lõm”, đảm bảo tất cả các trẻ em dưới 5 tuổi khi nghi ngờ mắc một trong các bệnh về tiêm chủng thì cần phải được tiếp cận, khám, điều trị ngay,không được sót ca bệnh nào.
2. Giải pháp về xã hội hóa
Trạm Y tế cần báo cáo và tham mưu cho Chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch giải quyết“Vùng lõm” về tiêm chủng, trong đó có giao cho các ngành như phụ nữ, thanh niên, trưởng thôn phối hợp với Trạm Y tế để tuyên truyền vận động, nhắc các bà mẹ có con đến lịch tiêm chủng phải đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt quan trọng nhất là phải tiêm đúng lịch. Trường hợp trẻ không đến tiêm hoặc tiêm không đúng lịch cần tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết ngay.
Chính quyền xã phải coi tiêm chủng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương,trong đó ưu tiên nhiệm vụ giải quyết “Vùng lõm” về tiêm chủng, để công tác tiêm chủng thành nề nếp.
Trạm y tế cần thực hiện nghiêm túc các qui trình kỹ thuật tiêm chủng theo qui định của Bộ Y tế, để chứng minh với người dân và cộng đồng về tính ưu việt, lợi ích và an toàn của tiêm chủng. Với mục tiêu cao hơn cần đạt trong thời gian tới là phải làm cho các bà mẹ đòi hỏi dịch vụ tiêm chủng là yêu cầu con mình được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Bs. Nguyễn Thái Hồng,