BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, có thể bùng phát thành dịch bệnh ở bất cứ thời gian nào trong năm. Bệnh thường gặp vào mùa mưa khi độ ẩm và nhiệt độ tăng cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi tồn tại và hoạt động, làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh và nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh.

Khi mới mắc bệnh SXHD, người bệnh thường chủ quan vì dấu hiệu ban đầu giống như sốt virus thông thường, sởi, rubella,... Nếu không phát hiện bệnh sớm, sẽ khiến bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

anh tin bai

Muỗi mang virus Dengue đốt người bị nhiễm virus Dengue (ảnh internet)

1. Muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Có hai loại muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á), thường gặp nguyên nhân do muỗi Aedes aegypti nhiều hơn. Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh SXHD.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): virus Dengue không thể tự lây trực tiếp từ người sang người, virus Dengue lây truyền do muỗi cái Aedes aegypti đốt. Sau khi muỗi đốt hút máu của người mắc bệnh hoặc người nhiễm virus khoảng 1 tuần, muỗi mang mầm bệnh đó có thể lây truyền virus Dengue khi đốt người khác, trong quá trình hút máu người sẽ truyền virus Dengue vào máu người. Thời điểm muỗi Aedes aegypti đốt người nhiều nhất là sáng sớm và chập tối. Muỗi Aedes aegypti đã tiến hóa thành loài đốt nhiều lần trong ngày và đốt nhiều người trong thời điểm chúng đi kiếm ăn sáng sớm và chập choạng tối.

2. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có đặc điểm sau: Muỗi Aedes aegypti có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

Có 4 tuýp huyết thanh khác nhau gây bệnh sốt xuất huyết, bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Ở Việt Nam có đủ cả 4 tuýp huyết thanh, những người đã mắc 1 trong 4 tuýp vẫn có thể tái nhiễm với các tuýp virus Dengue còn lại. Theo ước tính, hàng năm có tới 50-100 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành.

3. Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết

Giai đoạn 1: Các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 – 40oC trong 1 hoặc 2 ngày đầu, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2: Tính từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi xuất hiện sốt, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nặng của bệnh như:  xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái ra máu hoặc rong kinh ở phụ nữ).

Giai đoạn 3: Là giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt, có cảm giác thèm ăn, thể trạng bắt đầu tốt dần lên, huyết áp bắt đầu ổn định, xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về mức bình thường. Tuy nhiên, với những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện những biến chứng rất khó lường.

 Việc phát hiện sớm sốt xuất huyết giúp cho bác sĩ theo dõi được quá trình bệnh theo từng ngày và có những biện pháp xử lý thích hợp. Vì thế để biết chính xác liệu mình có đang bị sốt xuất huyết hay không, mọi người phải thực hiện xét nghiệm

4. Xét nghiệm để chẩn đoán chính xác bệnh SXHD

anh tin bai

Xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 cho kết quả sớm nhất (ảnh internet)

Để xác định có bị sốt xuất huyết không cần phải xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1(test nhanh), các cơ sở y tế đều thực hiện được. Xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 (test nhanh) giúp chẩn đoán sớm nhất từ ngày thứ nhất đến khi hết bệnh sốt xuất huyết, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút.

Ngoài ra có thể xét nghiệm Real-time PCR, nhưng xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện được ở phòng xét nghiệm hiện đại.

Việc phát hiện sớm sốt xuất huyết giúp cho bác sĩ theo dõi được quá trình bệnh theo từng ngày và có những biện pháp xử lý thích hợp.

5. Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

- Sốc mất máu do thoát huyết tương: Nguyên do là virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. Thoát huyết tương có thể tràn vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

- Hạ huyết áp: Biến chứng gây tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ vong. 

- Suy tim, suy thận:Từ các biến chứng sốc, hạ huyết áp,… có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, giảm khối lượng tuần hoàn làm tim không đủ sức bơm máu. Bên cạnh đó, thoát dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị ứ đọng gây tràn dịch màng tim. Đồng thời, thận phải tăng cường làm việc để bài tiết huyết tương qua nước tiểu, khi tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy thận cấp. 

- Biến chứng mắt: Mù đột ngột: Do xuất huyết võng mạc, làm tổn thương mạch máu của võng mạc gây giảm sút thị lực; Do xuất huyết trong dịch kính mắt (là một loại dịch nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật), khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

- Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Với phụ nữ đang mang thai bị SXHD: Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, sẽ rất dễ bị sẩy thai. Trong những ngày đầu mới mắc bệnh, cần lưu ý khi sốt cao sẽ tăng nhịp tim của thai nhi, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, dễ có nguy cơ giảm tiểu cầu, khi tiểu cầu giảm nhiều dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu.

- Để hạn chế biến chứng: Khi mắc SXHD, cần đến khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; Trường hợp bác sỹ cho điều trị tại nhà, cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt, xuất huyết,… nếu có dấu hiệu bất thường phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, có thể suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm não - màng não,… đe dọa tính mạng người bệnh.

6. Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết

Trong những ngày đầu chỉ điều trị triệu chứng bằng uống thuốc hạ sốt nếu sốt trên 38,50C (Paracetamol 500mg x uống 1 viên ở người lớn, cách 4-6 giờ/uống 1 lần), bù dịch bằng đường uống (oresol, nước hoa quả, nước canh,…). Kết hợp cách chườm nước ấm để hạ sốt có kết quả nhanh hơn. Những trường hợp không uống được hoặc uống vào lại nôn thì truyền dịch (dung dịch Ringer lactate hoặc nước muối đẳng trương), bắt buộc phải theo dõi tại các cơ sở y tế.

Điều trị và theo dõi SXHD tại nhà cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sỹ. Theo dõi sát các dấu hiệu của bệnh nếu có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh... phải nhập viện ngay.

7. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia, cách phòng bệnh sốt xuất huyết quan trọng nhất là diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền sốt xuất huyết.

Khuyến cáo của Ngành Y tế:

- Thường xuyên kiểm tra, cọ rửa các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, khay nước thải tủ lạnh, bể cảnh, hòn non bộ,...

- Loại bỏ các vật liệu có hốc chứa nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng,.. để muỗi không có môi trường đẻ trứng,

- Để phòng muỗi đốt cần ngủ màn ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng thuốc xịt chống muỗi, kem xua muỗi, hương muỗi, vợt điện bắt muỗi...

- Tích cực tuyên truyền, cùng chung tay với Ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bộ Y tế đã đưa ra thông điệp: "Mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh".

(Tham khảo tài liệu Bộ Y tế)

 

Sầm Hiền

 

Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 315
  • Trong tuần: 10 393
  • Tất cả: 1167674
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập