image banner
Hướng dẫn phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ

Trong, sau mưa lũ và ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển gây một số bệnh dịch thường gặp như: bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp, bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da. bệnh sốt xuất huyết…

Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu cách phòng tránh các bệnh trên

Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá thường gặp là: tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A... Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh và  thực phẩm bị ô nhiễm. Để phòng các bệnh này cần: đảm bảo sử dụng nước đã qua xử lý, khử trùng để ăn uống và sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc "ăn chín, uống sôi", đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn hay đi vệ sinh; xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết; uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc xin; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung men vi sinh để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.

* Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp vệ sinh cá nhân hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh. 8 thời điểm quan trọng phải rửa tay với xà phòng: trước khi chế biến thực phẩm; trước khi nấu ăn; sau khi làm vệ sinh cho trẻ em; sau khi đi vệ sinh (đi tiêu, đi tiểu); sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch lên tay; sau khi sinh hoạt hoặc vui chơi ngoài trời; sau khi tiếp xúc với động vật, kể cả với vật nuôi.

Bệnh đường hô hấp

Các bệnh đường hô hấp thường gặp là: cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Để có thể phòng ngừa các bệnh đường hô hấp trong mùa mưa lũ để bảo vệ sức khỏe cần thực hiện các việc sau: chú ý giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở người già và trẻ em; hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện cúm hay viêm đường hô hấp. đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể. đến cơ sở y tế khám và điều trị khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc các bệnh về đường hô hấp để được chẩn đoán, điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong

Bệnh về mắt

Các bệnh về mắt thường gặp là: đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Để phòng các bệnh về mắt cần lưu ý: không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; cần gặt khăn mặt sạch sẽ và phơi khăn ra nắng hàng ngày và không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ; sử dụng các thuốc nhỏ mắt thông thường cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.

Bệnh ngoài da

Các bệnh ngoài da thường gặp là: nấm da chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt…. Các bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách: không sử dụng nước bẩn để tắm gội và giặt quần áo (nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải lọc nước theo hướng dẫn của địa phương); không mặc quần áo ẩm ướt; không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hoá do nuốt phải nước bẩn; tránh ngâm mình trong nước bẩn, phụ nữ và trẻ em gái cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục để phòng các bệnh phụ khoa; hạn chế lội vào vùng nước bẩn tù đọng, nếu trong tình huống bắt buộc thì cần sử dụng đồ bảo hộ và vệ sinh bằng nước sạch, lau khô ngay sau khi xong, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Bệnh do muỗi truyền

Thường gặp là Sốt xuất huyết. Để phòng bệnh Sốt xuất huyết cần: ngủ màn thường xuyên, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng; phun hoá chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. không tự ý điều trị tại nhà.

Mùa mưa lũ là cơ hội cho nhiều bệnh dịch phát sinh. Vì vậy để giảm thiểu sự bùng phát dịch, Bộ Y tế đã đưa ra 10 khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ như sau:

1. Lựa chọn và chế biến thực phẩm đảm bảo ăn toàn hợp vệ sinh, ăn thức ăn đã nấu chín và uống nước đun sôi.

2. Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa sạch chân và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ hoặc nước bị ô nhiễm.

4. Diệt loăng quăng và bọ gậy bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước và thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hay các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi đẻ trứng.

5. Luôn sử dụng màn khi ngủ dù là ban ngày.

6. Thường xuyên vệ sinh và rửa sạch bể nước, giếng nước và các dụng cụ chứa nước.

7. Khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt bằng hóa chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Tuân thủ đúng nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó.

9. Thực hiện thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10. Đến khám và điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh tại các cơ sở y tế gần nhất.

TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG NƯỚC BỊ Ô NHIỄM MÀ CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ ĐỂ ĂN UỐNG VÀ VỆ SINH CÁ NHÂN.

                                                               

                                                                       Võ Mai CDC Bắc Kạn

Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 1368
  • Trong tuần: 38 106
  • Tất cả: 1483964
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập