image banner
NHỮNG NGƯỜI “GÁNH” VẮC XIN LÊN NON

Trong những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn luôn được chú trọng và triển khai một cách đồng bộ từ tuyến tỉnh đến xã, nhất là việc tiêm chủng ngoại trạm đã được ngành y tế quan tâm đẩy mạnh, giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ em.

anh tin bai

Hành trình “gánh” vắc xin lên non của cán bộ Trạm Y tế xã Nam Mẫu.

Phích vắc xin, ba lô đựng vật tư y tế, chai nước lọc, vài chiếc bánh ngọt, cùng con dao quắm phát cây…đó là toàn bộ hành lý mà cán bộ Trạm Y tế xã Nam Mẫu mang theo trên hành trình dài hơn 25 km để đến điểm tiêm chủng tại các thôn vùng cao của huyện Ba Bể. Con đường bê tông rộng gần 30cm bám quanh khu rừng thuộc Vườn quốc gia Ba Bể, dốc quanh co, đất đá lởm chởm, chỉ cần sơ sảy chút là có thể cả người và xe rơi xuống vực bất kể lúc nào. Hành trình càng trở nên gian nan hơn khi đến đoạn đường trơn trượt sình lầy, đoàn phải bỏ xe máy lại giữa chừng để đi bộ cùng toàn bộ hành lý gánh trên vai.

Nếu ở những khu vực có đường giao thông đi lại thuận tiện, theo lịch hàng tháng, các bậc phụ huynh sẽ tự đưa con em đến các Trạm y tế để tiêm chủng. Thế nhưng tại các thôn vùng cao, thì mỗi mũi vắc xin đến với người dân là cả một chặng đường gian nan, vất vả và là sự nỗ lực hy sinh của đội ngũ cán bộ y tế nơi đây. Hộ sinh Hoàng Thị Thảo, Trạm Y tế xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết do đường xá giao thông đi lại khó nhăn, nhất là mùa mưa việc xe máy bị thủng lốp, xì hơi là việc thường xuyên diễn ra, thậm chí bị ngã bẩn hết người và trầy xước, bầm tím… là chuyện hết sức bình thường. Bản thân tôi là phụ nữ chân yêu tay mềm lần nào đi về cũng đau ê ẩm hết người. Tuy nhiên vì bà con nên chúng tôi phải động viên nhau cùng cố gắng nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để đảm bảođưa được vắc xin an toàn đến cho người dân”.

anh tin bai

Đường lên điểm tiêm thôn Nà Phại, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.

Ngoài 108 điểm tiêm cố định tại các Trạm Y tế xã/phường/thị trấn, ngành Y tế tỉnh Bắc Kạn còn tổ chức thêm 5 điểm tiêm chủng ngoại trạm, trong đó huyện Chợ Đồn có 01 điểm tiêm tại thôn vùng cao của xã Bình Trung, huyện Ba Bể có 4 điểm tiêm tại các thôn vùng cao của xã Nam Mẫu và xã Cao Thượng. Các điểm tiêm này thường được tổ chức tại các thôn với 100% là đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống…, nơi có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đồng thời lại quá xa Trạm Y tế nên việc đưa trẻ đi tiêm phòng là một việc không dễ dàng gì, nhất là khi người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của vác xin phòng bệnh.

Xác định việc tiêm chủng vắc xin chính là biện pháp phòng bệnh chủ động và hữu hiệu nhất để giảm tỷ lệ mắc, biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm nên công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về tiêm chủng là một việc làm được các cán bộ nơi đây đặc biệt chú trọng hàng đầu. Sau mỗi buổi tiêm chủng, cán bộ Trạm Y tế và nhân viên Y tế thôn bản lại ngồi lại với nhau, soát lại danh sách những trẻ chưa đến tiêm và động viên nhau cố gắng “đến từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động, tuyên truyền, tư vấn, giải thích cho phụ huynh đồng ý cho con đi tiêm chủng. Có khi cán bộ y tế đi đến tận nhà thì phụ huynh đã địu con lên lán nương để làm rẫy…kiên trì hai, ba lần rồi nhiều lần như vậy mới gặp được… Chị Giàng Thị Hoa, thôn Đán Mẩy, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể chia sẻ “từ khi có thai, cán bộ thường xuyên đến nhà tuyên truyền vận động đi tiêm vắc xin uốn ván, đến khi sinh hai con tôi cũng ko bỏ mũi tiêm nào, các con tôi đều mạnh khỏe, không đau ốm, bệnh tật gì”.

Vất vả là vậy, nhưng không phải lần nào lên đến nơi cũng thấy bà con có mặt đầy đủ, dù trước đó, đã được y tế thôn bản thông báo lịch tiêm nhưng có một số phụ huynh vẫn đưa ra nhiều lí do khác nhau để không cho con em mình đi tiêm chủng. Chị Lương Thị Sơn, Nhân viên Y tế thôn Đán Mẩy, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết  “Nhiều khi đi vận động, thì họ bảo ko cho con đi tiêm đâu, tiêm về con sốt, con ốm, ko ai trông, ko làm được việc…họ địu con qua điểm tiêm, gọi họ vào họ còn lờ đi không nghe”

anh tin bai

Cán bộ Trạm Y tế Nam Mẫu ăn vội bữa trưa để tiếp tục lên điểm tiêm thứ hai tại thôn Khâu Qua.

Không riêng gì việc tiêm vắc xin, mà đến chiến dịch cân, đo trẻ em dưới 5 tuổi, bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 06 đến 59 tháng tuổi kết hợp tẩy giun cho trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi, các cán bộ Trạm Y tế nơi đây lại miệt mài băng rừng, vượt đồi, chỉ với một ý niệm duy nhất là cố gắng, nỗ lực mang đến cho trẻ em vùng cao những những vi chất dinh dưỡng có lợi cho sự phát triển của trẻ, những loại vắc xin phòng bệnh tốt nhất cho trẻ. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết “do điều kiện kinh tế khó khăn và việc tiếp cận thông tin của bà con nhân dân còn hạn chế, do đó chính quyền địa phương phối hợp với Trạm Y tế đã trao đổi bàn bạc là cần phải mở các điểm tiêm chủng đến tận nơi, hiện trên này có hai điểm tiêm chủng tập trung là thôn Đán Mẩy – Nà Phại và Khâu Qua – Nặm Dài, xã cũng đã tập trung chỉ đạo Trạm Y tế tiến hành những điểm lưu động này, để đáp ứng cho bà con nhân dân và cũng như trong độ tuổi tiêm chủng đạt chỉ tiêu”.

Thời gian qua, với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở, việc thực hiện chương trình tiêm chủng ngoại trạm đã giúp nhiều trẻ em, nhất là trẻ em ở các thôn vùng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có cơ hội được tiếp cận và tiêm chủng “đúng mũi, đủ liều” góp phần tạo nên thành quả đáng ghi nhận của chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, 95% trẻ sinh ra được cập nhật đầy đủ lên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia; 95% trẻ em đủ 18 tháng tuổi được tiêm bổ sung vắc xin Sởi-Rubella; 90% trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản B; 90% Phụ nữ có thai được tiêm UV mũi 2; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là 95%.

anh tin bai

  Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của bà con vùng cao về tiêm chủng mở rộng được nâng lên rõ rệt.

Sau cơn mưa, mặt trời đã hửng ở phía đông. Hành trang trên đường trở về của cán bộ y tế đã nhẹ nhàng hơn, trong lòng mỗi người đều hân hoan một niềm vui khó tả vì thêm một mũi tiêm đến với trẻ em là có thêm một mầm non tương lai được bảo vệ. những liều vắc xin sẽ là chiếc ô miễn dịch để bảo vệ, theo bước các em đến suốt cuộc đời. Từ đây, con em đồng bào vùng sâu vùng xa sẽ có một thế hệ khỏe mạnh để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn./.              

 Kim Cúc (TTKSBT)

Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 1055
  • Trong tuần: 32 517
  • Tất cả: 1471774
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập