Sinh non là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, thường gặp ở sản phụ lớn tuổi hoặc còn quá trẻ, do mắc các bệnh lý sản phụ khoa hoặc tiền sử sinh non...Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi. Ước tính khoảng 15 triệu trẻ sinh non (cứ 10 trẻ thì có 1 trẻ sinh non) trên toàn thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non. Tỷ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh chiếm khoảng 45% tổng số ca tử vong ở trẻ em. Nguyên nhân gây nên tử vong trẻ sơ sinh chủ yếu do đẻ non/nhẹ cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%.
Trẻ sinh non được phân loại theo tuổi thai là những trẻ chào đời khi dưới 37 tuần tuổi thai và được chia thành 4 nhóm: cực non (dưới 28 tuần), rất non (từ 28 đến dưới 32 tuần), non vừa (từ 32 đến dưới 34 tuần) và non muộn (từ 34 đến dưới 37 tuần). Trẻ sinh càng non thì càng có nhiều nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này. Nếu được chăm sóc tốt, 90% trẻ sinh non có cơ hội tiếp tục sự sống. Vì vậy, cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị để giúp trẻ vượt qua “thử thách” đầu đời này.
Do trẻ chào đời quá sớm, chưa sẵn sàng thích nghi với môi trường bên ngoài nên trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ từ suy hô hấp do chức năng phổi phát triển chưa đầy đủ, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, ngưng tim và thậm chí là những biến chứng đe dọa tới tính mạng như xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, …Chính vì vậy, trẻ sinh non cần sự chăm sóc đặc biệt tỉ mỉ và theo dõi sát sao những thay đổi của trẻ để hỗ trợ trẻ kịp thời. Lồng ấp được ví như tử cung thứ hai để bảo vệ và tạo điều kiện cho bé phát triển.
Để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sinh non, trước tiên phải giảm tỷ lệ trẻ sinh non. Để làm được điều này thì các phụ nữ mang thai cần chú trọng việc chăm sóc và theo dõi thai kỳ để có biện pháp ứng phó kịp thời (khi có phát hiện bất thường). Trong trường hợp việc dự phòng sinh non bất khả kháng, gia đình nên chọn sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, máy móc thiết bị chuyên dụng và đội ngũ chuyên môn cao để có thể chăm sóc tốt nhất cho bé ngay khi vừa chào đời.
Hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non năm 2024, ngày 26/8/2024, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5021/BYT-BMTE về việc Hướng dẫn triển khai Hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non 2024, theo đó có đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sinh non, giảm thiểu nguy cơ sinh non từ những nguyên nhân có thể phòng tránh được, đồng thời hỗ trợ can thiệp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ sinh non.
Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và người sử dụng dịch vụ, cụ thể: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo phụ nữ khi mang thai có sức khỏe tốt nhất; các phụ nữ được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả; cần sinh con theo kế hoạch, đảm bảo theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày); tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý một số nội dung: dinh dưỡng, tránh các chất kích thích; giảm stress…
Chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế; chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế; đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.
Ngày Thế giới vì trẻ sinh non, được tổ chức vào ngày 17 tháng 11 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về những khó khăn của các bà mẹ và trẻ nhỏ liên quan đến sinh non và tôn vinh cuộc sống của trẻ sinh non. Tăng cường khả năng phát hiện sớm các nguy cơ trong thai kỳ, nâng cao điều trị y tế, trao quyền cho cha mẹ và giảm hậu quả lâu dài cho trẻ em và gia đình. Những nỗ lực chung của các cấp, ngành và cộng đồng sẽ giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động để ngăn ngừa sinh non, cải thiện hệ thống y tế với mục tiêu cứu sống trẻ em.
Võ Mai CDC Bắc Kạn