Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên không những tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, đồng thời giúp cho việc gắn bó tình cảm mẹ con. Trong bài này chúng tôi xin cung cấp một số thông tin về lợi ích của sữa mẹ và làm thế nào để chăm sóc nguồn sữa mẹ đúng cách.
Sữa mẹ
Sữa mẹ là món quà quý giá nhất mà mẹ tặng cho con để nuôi dưỡng thể chất và tinh thần con trong suốt cuộc đời. Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu và sử dụng có hiệu quả cao.
Sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và một số bệnh khác so với trẻ không được bú mẹ, giúp trẻ sơ sinh phát triển toàn diện.
Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc.
Nguồn internet
Những lợi ích của sữa mẹ
Lợi ích đối với trẻ:
Sữa mẹ luôn duy trì ở một nhiệt độ ổn định, thích hợp cho bé, do vậy rất an toàn cho bé
Sữa mẹ hoàn toàn tự nhiên và phù hợp với những bà mẹ muốn nuôi và chăm sóc con theo ý mình.
Sữa mẹ là cách đáp ứng nhu cầu của bé nhanh chóng và dễ dàng nhất ở mọi lúc mọi nơi mà không phải mất thời gian pha chế, đo lường.
Sữa mẹ giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp vì trong sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể giúp cho trẻ có được một hệ miễn dịch tốt trong nhưng tháng vừa chào đời; làm giảm nguy cơ về các bệnh dị ứng, chàm và nhiễm trùng tai. Chất sắt trong sữa mẹ luôn dễ hấp thu hơn chất sắt trong sữa công thức. Sữa mẹ tốt cho sự phát triển của trí thông minh, thị lực, hệ thần kinh và ruột của bé. Trẻ bú mẹ thường ít bị bệnh hơn trẻ được nuôi bằng sữa bột (sữa nhân tạo).
Sữa mẹ cung cấp tất cả các dưỡng chất mà bé cần trong sáu tháng đầu đời
Sữa mẹ thay đổi trong từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển của trẻ sơ sinh.
Trẻ bú mẹ thường không bị táo bón và phân thải ra không có mùi như của các bé được nuôi bằng sữa bột (sữa nhân tạo).
Lợi ích đối với bà mẹ:
Cho trẻ bú ngay sau khi sinh giúp tử cung co bóp và đẩy ra ngoài các sản phẩm còn sót lại như nhau thai và màng nhầy, và giúp sớm chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh. Làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh. Làm giảm khả năng phát triển bệnh loãng xương và bệnh Đái tháo đường typ II.
Sữa mẹ giúp tiết kiệm tiền mua sữa bột (sữa nhân tạo) cho bé; tăng cường tình cảm giữa mẹ - con; chậm có kinh trở lại, hạn chế nguy cơ có thai sớm.
Chăm sóc nguồn sữa mẹ
Chế độ nghỉ ngơi, lao động của bà mẹ cho con bú
Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải, tránh làm việc quá sức làm ảnh hưởng đến sức khỏe vì sau khi sinh cơ thể của mẹ rất yếu. Nên việc nghỉ ngơi và lao động nhẹ nhàng là rất quan trọng
Chế độ dinh dưỡng khi cho con bú
Để có được nguồn sữa tốt và dồi dào cho trẻ, chế độ ăn của bà mẹ nên có đầy đủ chất dinh dưỡng. Vì vậy, bà mẹ cần được ăn, uống nhiều hơn bình thường, không kiêng khem quá mức. Nên hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê, và hút thuốc lá.
Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín.
Uống nhiều nước (1.5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.
Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên, người phụ nữ có thể sử dụng một số biện pháp tránh thai, nếu sử dụng thuốc để ngừa thai thì nên sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Làm thế nào để bà mẹ có đủ sữa nuôi con
Cho trẻ bú sớm và bú đúng tư thế, cho trẻ bú lần lượt từng bên, hết sữa mới chuyển sang vú bên kia, cho bú nhiều lần cả vào ban đêm. Sau khi cho trẻ bú, nên vắt hết sữa còn lại bỏ đi hoặc cho vào bình giữ đúng cách. Ăn uống đầy đủ chất, nghỉ ngơi thích hợp.
TÓM LẠI: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng.
BS. Triệu Hồng - CDC