BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG
Huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch, huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Khi tim co bóp, máu sẽ được bơm vào các mạch máu, ép vào thành động mạch làm mạch máu căng ra. Số đo huyết áp tại thời điểm tim co bóp được gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa. 

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch, huyết áp được tạo ra do lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Khi tim co bóp, máu sẽ được bơm vào các mạch máu, ép vào thành động mạch làm mạch máu căng ra. Số đo huyết áp tại thời điểm tim co bóp được gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa. Sau khi co bóp, tim sẽ giãn ra, thành động mạch sẽ trở về trạng thái ban đầu, số đo huyết áp tại thời điểm này được gọi là huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu. Khi đo huyết áp bạn sẽ được ghi kết quả của huyết áp, ví dụ một kết quả đo là 120 mmHg/70mmHg, thì 120mmHg là số đo huyết áp tâm thu, 70mmHg là số đo huyết áp tâm trương.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới(WHO), huyết áp bình thường khi đo ở cánh tay là 120/80 mmHg. Đây là trị số huyết áp trung bình bình thường đối với người lớn, huyết áp có đặc điểm là thay đổi theo thời gian, trạng thái tâm  sinh lý và nhiều yếu tố khác.

Thế nào là tăng huyết áp?

Tăng huyết xảy ra khi số đo huyết áp tâm thu từ140mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên.

Tại sao bạn bị tăng huyết áp?

Khoảng trên 90% các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, các thường hợp này được gọi là Bệnh tăng huyết áp (tăng huyết áp tiên phát).

Khoảng dưới 10% các trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân, được gọi là tăng huyết áp triệu chứng (tăng huyết áp thứ phát); nếu được điều trị nguyên nhân thì huyết áp sẽ trở về bình thường. Nguyên nhân của tăng huyết áp triệu chứng bao gồm:

-  Các bệnh của  thận: Thận đa nang, suy thận cấp,mãn, sỏi thận, lao thận…

- Các bệnh của tuyến thượng thận: Hội chứng Cushing,cường Aldosterone nguyên phát, u phần vỏ hay tủy thượng thận.

- Các bệnh về mạch máu: Hẹp động mạch thận hoặc eođộng mạch bẩm sinh hoặc hẹp động mạch nhiều nơi, vữa xơ động mạch.

- Do sử dụng các thuốc kéo dài như Prednisone,Dexamethason, cam thảo, sâm, nhung…

- Trong thời kỳ có thai: do bệnh lý của rau thai từ tháng 7-8 làm huyết áp tăng, đồng thời có phù, nước tiểu có protêin, bệnh rất dễ dẫn đến tiền sản dật và sản dật, nếu dược khám, điều trị kịp thời và đẻ xong thì huyết áp lại trở lại bình thường.

Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp?

Đặc điểm của huyết áp là có sự thay đổi khá lớn trong ngày và giữa các ngày trong tuần. Để khẳng định là có bệnh tăng huyết áp thì phải được đo ít nhất trong 2 kỳ khác nhau, mỗi kỳ đo ít nhất 3 lần trong những điều kiện như nhau, người được đo phải được nghỉ ít nhất 15-20 phút.

Tất cả những người trưởng thành phải được đo huyết áp một cách thường xuyên ít nhất là một năm 2 lần. Cần kiểm tra huyết áp ngay khi bạn có một trong các dấu hiệu sau: Nhức đầu, hồi hộp, mờ mắt,chóng mặt,  toát mồ hôi, yếu hay tê nửa người hay  một tay hoặc chân, đau ngực,khó thở, đi tiểu nhiều.

Tăng huyết áp hay xảy ra những biến chứng gì?

Bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị, lâu ngày sẽ sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể được gọi là cơ quan đích. Tăng huyết áp có 3 giai đoạn, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 3 là giai đoạn của các biến chứng, hay gặp là tai biến mạch máu não do đứt mạch máu não hoặc tắc mạch não gây nhồi máu não, suy tim trái. Đối với tai biến mạch máu não, mặc dù bệnh nhân qua khỏi, nhưng di chứng là rất nặng nề mà người bệnh, gia đình người bệnh phải gánh chịu, có khi hàng chục năm….

Tại sao phải điều trị bệnh tăng huyết áp cho dù bạn cảm thấy bình thường?

Đa số các bệnh nhân tăng huyết áp đều cảm thấy trong người hoàn toàn bình thường, chỉ phát hiện được khi có những biểu hiện  như nhức đầu, mờ mắt, chóng mặt, đánh trống ngực hoặc khi có các biến chứng nặng hơn như tai biến mạch máu não… chính vì lẽ đó tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Thực tế báo động hiện nay:

 Rất nhiều các bệnh nhân khi bị tai biến mạch máu não, vào khoa hồi sức cấp cứu thì người nhà mới biết là người thân của mình bị tăng huyết áp. Tuy vậy rất nhiều người đã biết mình bị cao huyết áp, huyết áp thường xuyên cao, nhưng không thấy triệu chứng gì “vẫn khoẻ mạnh bình thường” lại chủ quan không đi khám và điều trị,hoặc điều trị không đúng cách, “không biết giữ mình”, chỉ khi vào khoa hồi sức cấp cứu thì bản thân và gia đình mới thấy việc điều trị bệnh tăng huyết áp và biết cách giữ mình là quan trọng, nhưng khi đó đã muộn.

Mục đích của điều trị tăng huyết áp:

Là hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm tối đa nguy cơ các biến chứng tim mạch, não và tử vong cho người bệnh. Do đó khi biết bị tăng huyết áp bạn cần phải điều trị dù bạn cảm thấy trong người hoàn toàn bình thường.

Bạn cần thay đổi lối sống đề tránh các yếu tố nguy cơ và điều trị bệnh tăng huyết áp, đó là:

Bỏ hút thuốc lá: là biện pháp mạnh mẽ nhất để đề phòng các bệnh tim mạch và ngoài tim mạch.

Hạn chế uống rượu: uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ đột quỵ và giảm tác dụng của một số thuốc giảm áp.

Chế độ ăn: Thực hiện chế độ ăn giảm muối sẽ giúp phần làm giảm huyết áp (giảm 4,7-5,8g muối trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ làm giảm huyết áp bình quân được 4-6 mmHg) và làm tăng tác dụng hạ áp của các thuốc điều trị tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp nên dùng các thức ăn có chứa nhiều kali, ăn nhiều quả chín,  nê năn cá, đậu đỗ, lạc, vừng, không ăn mỡ và phủ tạng động vật có chứa nhiều a xit béo no và cholesterol gây xơ vữa động mạch.

Giảm cân và tập thể dục: Giảm cân sẽ giảm được huyết áp trên người thừa cân và có tác dụng tốt đối với các bệnh đi kèm như đái tháo đường, rối loạn li pít máu; nên duy trì chỉ số khối của cơ thể  BMI< 25. Nên thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ. Mức độ tập luyện phải tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Tránh các Tress: Biết giữ mình và giữ cho mọi người để chủ động phòng và tránh được các xung đột không đáng có; luôn tạo và giữ cho mình một trạng thái tinh thần thoả mái, thanh thản.

Nếu bạn bị tăng huyết áp thể nhẹ, biện pháp thay đổi lối sống như trên có thể đủ để giúp hạ huyết áp xuống mức bình thường mà chưa cần dùng đến thuốc. Đối với một số người khỏe (những người bị tăng huyết áp thể nặng), những biện pháp này có thể giúp họ dùng ít thuốc hơn hoặc dùng thuốc với liều thấp để kiếm soát huyết áp.

Khi nào cần đến thuốc để điều trị bệnh tăng huyết áp?

Sau khi bạn thực hiện biện pháp ăn kiêng, luyện tập và các biện pháp điều trị không cần thuốc mà huyết áp của bạn vẫn không giảm,lúc đó cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.

Một số điều cần lưu ý đối với điều trị bệnh tăng huyết áp:

Đối với người bệnh:

- Bệnh tăng huyết áp phải điều trị liên tục suốt đời, nên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc, bệnh nhân và gia đình, nên bạn cần hiểu nhiều về bệnh, tuân thủ điều trị. Phải có kế hoạch đi khám định kỳ, đúng hẹn, không nên vì công việc mà không đi khám hoặc bỏ thuốc, vì lúc đó nguy cơ tai biến là rất lớn; đừng bỏ người thân, đồng nghiệp khi sự nghiệp đang còn dang dở.

- Cần tuân thủ quy định chặt chẽ của thầy thuốc cách sử dụng thuốc, không được tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi thuốc, không nên thấy người khác dùng thuốc này là mình liền tự mua dùng tương tự như vậy là rất nguy hiểm.

- Trong quá trình uống thuốc, trị số huyết áp sẽ trở về mức bình thường,lúc đó bạn chỉ mới đạt được mục tiêu điều trị tăng huyết áp (giảm tối đa các nguy cơ dài hạn bị các biến chứng tim mạch và tử vong). Do đó bạn không được ngưng điều trị mà vẫn phải tiếp tục chữa bệnh theo hướng dẫn của thầy thuốc,  vỡ việc tự ý ngưng điều trị thì huyết áp lại tăng cao như mức trước khi điều trị,  thậm chớ cũn cao hơn và đây chính là thời điểm thường xảy ra tai biến mạch máu não và tim.

-Không nên thay đổi nhiều thầy thuốc mà bạn nên chọn một thầy thuốc mà mình tin tưởng, tốt nhất là gần nhà mình.

- Phải điều trị các yếu tố nguy cơ phối hợp như rối loạn li pít máu, tiểu đường.

-Phải đặc biệt chú ý đến sinh hoạt cá nhân: Phòng tắm phải kín, không có gió lùa, tắm không quá 15 phút,  mùa rét mặc áo phải kín cổ, tuy nhiên phải giữ ấm toàn thân, kể cả bàn chân bàn tay, vì bị nhiễm lạnh bất cứ vị trí nào trên cơ thể đều làm co mạch, gây tăng huyết áp.Mặc quần áo không được quá chặt vì sẽ cản trở máu lưu thông và khó khi đo huyết áp. Không nên ăn quá no và uống nhiều nước vào bữa tối vì làm tăng khối lượng tuần hoàn vào ban đêm, gây tăng huyết áp, dễ béo phì. Nếu phải dậy đi tiểu ban đêm thì thì phải từ từ mặc quần áo cho thật ấm mới dậy ra ngoài, tốt nhất là rèn không có thói quen đi tiểu vào ban đêm.

-Nếu bạn không phải là đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc thì nên mua bảo hiểm Y tế tự nguyện vì phải thường xuyên dùng đến nó.

Đối với gia đình người bệnh:

Mọi người cũng cần phải có kiến thức cơ bản về bệnh tăng huyết áp, phải quan tâm,chăm sóc, nhắc nhở người thân của mình trong sinh hoạt, đi khám và uống thuốc.Một gia đình hạnh phúc sẽ góp phần quan trọng vào phòng tai biến do tăng huyết áp.

Như vậy loại trừ các yếu tố nguy cơ và tích cực điều trị tăng huyết áp sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm: tai biến mạch máu não, suy thận, mờ mắt, thậm chí mù mắt, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, giảm chi phí điều trị, tăng tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống của bạn và gia đình. Đặc biệt là bạn vẫn có một cuộc sống và công việc bình thường, vẫn tiếp tục và có nhiều cống hiến  cho cơ quan và gia đình.

BS. Nguyễn Thái Hồng


Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 1437
  • Trong tuần: 11 253
  • Tất cả: 1166105
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập