image banner
Mối liên quan nguy hiểm giữa Đái tháo đường và lao phổi

Lao là một bệnh lây nhiễm cấp tính, còn đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh không lây nhiễm mạn tính. Đây là hai bệnh khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ với nhau. ĐTĐ là một trong những nguy cơ quan trọng thúc đẩy cho bệnh lao từ tiềm ẩn sang tiến triển.

Vì sao người bệnh ĐTĐ dễ mắc lao phổi?

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ĐTĐ trên thế giới chiếm từ 0,24% đến 5,15% dân số. Dự báo trong 20 năm (2010-2030), tỷ lệ mắc ĐTĐ trên toàn cầu tăng 54%. Ở Việt Nam tỷ lệ mắc ĐTĐ qua điều tra năm 2021 là 7,1%. Tại tỉnh Bắc Kạn theo điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật năm 2022, tỷ lệ  tiền  ĐTĐ là 28%,  ĐTĐ là 3,5%.  Một nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học lao phổi mới ở người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Đồng Tháp năm 2020, tỷ lệ lao đồng mắc ĐTĐ là 19,94%.

Nói về ĐTĐ, đa phần mọi người chỉ nghĩ đến các biến chứng tim, thận, mắt, thần kinh.v.v.. Ít ai biết rằng, người mắc ĐTĐ còn có nguy cơ cao bị nhiễm lao phổi. Thời gian mắc bệnh ĐTĐ càng lâu thì khả năng mắc lao tiến triển càng cao so với người mắc lao không bị ĐTĐ. ĐTĐ và lao phổi là “đôi bạn đồng hành” với nhau như “bóng với hình” như “HIV/AIDS với lao phổi”. Người mắc ĐTĐ rất dễ mắc lao phổi, nhưng ngược lại người mắc lao phổi không phải đều mắc ĐTĐ.

Bệnh lao có hai giai đoạn, giai đoạn lao tiềm ẩn và lao tiến triển, nếu mắc ĐTĐ lâu hoặc điều trị không đạt mục tiêu thì càng có nhiều biến chứng tổn thương cơ quan đích. Khi đường máu tăng cao lâu ngày sẽ giúp vi khuẩn phát triển và làm cho hệ thống miễn dịch bị suy giảm, nên dễ mắc bệnh hơn so với người khỏe mạnh. Trong môi trường đường máu cao ở người ĐTĐ sẽ là chất dinh dưỡng tốt cho vi khuẩn lao phát triển nhanh hơn, khỏe hơn. Mặt khác người bệnh ĐTĐ thường có biến chứng tổn thương các mạch máu nhỏ; khi đó lớp tế bào lót trong của mạch máu nhỏ này bị tổn thương làm cho tế bào hồng cầu di chuyển chậm, nên trao đổi oxy bị rối loạn ở mô, khiến cho sức kháng với vi khuẩn tại chỗ bị suy giảm.

Mắc lao hay lao tiến triển được xuất phát từ lao tiềm ẩn, lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của vi khuẩn gây bệnh lao ở người nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động. Vi khuẩn lao ngủ yên do bị các đại thực bào (macrophage) bắt giữ (ở người có sức đề kháng tốt), nên vi khuẩn tồn tại ở dạng “ngủ đông” không hoạt động. Chúng sẽ chờ đợi và chớp lấy cơ hội bất kỳ khi nào hệ miễn dịch suy yếu để vùng lên hoạt động và gây bệnh. Khi mắc ĐTĐ lâu ngày hoặc điều trị không đạt mục tiêu đối với hai chỉ số đường máu và HbA1c làm sức đề kháng của cơ thể giảm đáng kể. Lúc này vi khuẩn lao sẽ phát triển gây nên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh lao, hay còn gọi là lao tiến triển. Thực tế người bệnh phát hiện lao phổi phần lớn sau 5 năm mắc ĐTĐ, gần 2/3 trường hợp ĐTĐ phát hiện trước lao phổi.

Triệu chứng, chẩn đoán lao tiến triển trên người bệnh ĐTĐ như thế nào?

Các triệu chứng của bệnh ĐTĐ mắc lao khởi phát cấp tính hoặc rất từ từ, thường gặp là: sốt nhẹ về buổi chiều, gây sút cân, ho, người rất mệt mỏi. Tuy nhiên có một số điểm đặc biệt hơn so với lao đơn thuần là: xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao chỉ dương tính khoảng 70% ở giai đoạn toàn phát. Hình ảnh XQuang tổn thương phổi thường đối xứng hai bên, vị trí thường ở vùng rốn phổi, đáy phổi (lao phổi đơn thuần hay gặp ở vùng đỉnh và dưới đòn). Chẩn đoán lao trên người bệnh ĐTĐ cũng như lao đơn thuần; tuy nhiên do triệu chứng của lao/ĐTĐ thường kín đáo (do phản ứng của cơ thể kém với vi khuẩn lao), nên chủ yếu dựa vào chiến lược 2X, tức là chụp XQuang phổi và Xpert. Xpert hay là Gene Xpert là kỹ thuật sinh học phân tử để xác định vi khuẩn lao với độ nhạy lên tới 98% đối với các mẫu AFB dương tính và 72% với các mẫu AFB âm tính và độ đặc hiệu lên đến 99,2%.

Mắc lao trên người bệnh ĐTĐ sẽ nguy hiểm như thế nào?

Mắc lao trên người bệnh ĐTĐ sẽ rất nguy hiểm vì vừa phải điều trị cả bệnh ĐTĐ vừa phải điều trị lao phổi. Các thuốc uống ĐTĐ làm tổn thương gan, khi sử dụng các thuốc điều trị lao lại làm cho gan tổn thương tiếp và càng làm cho chức năng gan giảm đi. Mặt khác tâm lý người bệnh ĐTĐ thường không tốt, nay mắc thêm lao càng dễ bị strees thì càng làm cho đường huyết tăng cao, làm cho lao tiến triển mạnh hơn; người bệnh suy sụp nhanh hơn vì mắc ĐTĐ đã bị tổn thương rất nhiều cơ quan rồi.v.v... Do vậy nếu người bệnh không kiên trì, không được chăm sóc và tuân thủ điều trị tốt thì dễ bỏ cuộc, bỏ thuốc. Đây sẽ là “đại họa” vì sẽ tạo thêm những chủng vi khuẩn lao kháng thuốc mới.

Làm thế nào để điều trị lao và ĐTĐ cho tốt, không bị lao kháng thuốc???

Lao phổi/ĐTĐ phải điều trị song hành thật tốt cho cả hai bệnh, đồng thời phải theo dõi chức năng gan để bảo vệ an toàn cho lá gan.

Đối với điều trị bệnh ĐTĐ phải kiểm soát đường huyết lúc đói dưới 7,2 mmol/l và HbA1c dưới 7%. Để đạt được yêu cầu trên bác sĩ điều trị nên cân nhắc điều trị bằng insulin sớm cho bệnh nhân để đưa đường huyết sớm về bình thường, giảm các tác dụng phụ của thuốc với gan. Thực hiện tốt chế độ ăn uống, luyện tập theo tư vấn của Bác sỹ. Đối với điều trị bệnh lao phải tuân thủ phác đồ điều trị lao của Bác sỹ, nhớ uống thuốc đều.

Mục tiêu điều trị người bệnh ĐTĐ, cụ thể theo bảng sau:

Chỉ số

Đơn vị

Mục tiêu

(giới hạn an toàn)

Tần suất theo dõi

Nơi

theo dõi

Chưa đạt mục tiêu

Đạt

mục tiêu

Huyết áp

mmHg

< 130/80

Hàng tuần

Hàng tháng

TYT, tại nhà

BMI

kg/m2

18,5-23

Hàng tháng

Hàng tháng

TYT, tại nhà

Đường huyết mao mạch lúc đói

Sau khi bắt đầu ăn 1- 2h

mmol/L

 

mmol/L

4,4 - 7,2

 

<10,0

Mỗi khi chỉnh liều thuốc

Hàng tháng

TYT, tại nhà

HbA1c

%

<7,0

01

lần/3tháng

01 lần/6 tháng

Tuyến trên

HDL-c

(Bình thường >0,9mmol/l)

mmol/L

Nam>1,0

Nữ >1,3

Theo chỉ định

Tối thiểu

01 lần/năm

Tuyến trên

Triglyceride

(Bình thường <1,9mmol/l)

mmoI/L

<1,7

Theo chỉ định

Tối thiểu 01 lần/năm

Tuyến trên

LDL-c

(Bình thường<3,4mmol/l)

mmol/L

<2,6

<1,8: nếu NCTM* cao

Theo chỉ định

Tối thiểu 01 lần/năm

Tuyến trên

Cholesterol

mmol/L

<4,9

Theo chỉ định

Tối thiểu 01 lần/năm

Tuyến trên

Làm thế nào để người bệnh ĐTĐ không mắc lao?

Bệnh ĐTĐ là một trong những yếu tố thúc đẩy cho bệnh lao tiến triển. Vậy để người bệnh ĐTĐ không mắc lao hay không cho lao tiến triển trên người bệnh ĐTĐ thì phải điều trị ĐTĐ thật tốt, đạt mục tiêu điều trị bệnh ĐTĐ, đặc biệt là hai chỉ số đường máu và HbA1c. Khẩu phần ăn phải đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, nhất là cần tăng thêm đạm, ưu tiên đạm từ thịt gà, cá, đạm thực vật; tăng cường rau, củ, quả, các thực phẩm cho chỉ số đường huyết thấp có nhiều chất xơ để giảm mỡ máu, đường máu; tích cực luyện tập để làm giảm đề kháng insulin, giảm mỡ máu.v.v... Người mắc bệnh ĐTĐ ngoài tuân thủ chế độ dùng thuốc, ăn uống và luyện tập như trên thì cần phải tu dưỡng tinh thần thật tốt để nâng cao sức đề kháng, tức là để tạo miễn dịch tốt. Miễn dịch tốt sẽ hạn chế nhiễm lao tiềm ẩn hoặc nếu nhiễm lao tiềm ẩn thì sẽ được điều trị để không chuyển thành mắc lao tiến triển.

Người bệnh ĐTĐ cần chụp XQuang phổi 6 tháng một lần, nếu có nghi ngờ mắc lao thì xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao và triển khai kỹ thuật 2X để chẩn đoán xác định sớm, điều trị kịp thời bệnh lao. Người bệnh ĐTĐ cần được làm xét nghiệm TST (tuberculin skin test) để chẩn đoán lao tiềm ẩn. Xét nghiệm TST còn gọi là xét nghiệm da tuberculin (còn gọi là xét nghiệm Mantoux). Mục đích của xét nghiệm da tuberculin là xác định người bị nhiễm vi khuẩn lao, nhưng chưa bị lao. Nếu người bệnh ĐTĐ mắc lao tiềm ẩn sẽ được điều trị khỏi lao tiềm ẩn; từ đó người bệnh ĐTĐ sẽ có thái độ để điều trị tốt bệnh ĐTĐ, làm cho bệnh lao không tiến triển được./.

Bs. Nguyễn Thái Hồng

PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn

Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 551
  • Trong tuần: 5 771
  • Tất cả: 1826119
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập