image banner
ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM VÙNG NGẬP LỤT

Tình trạng ngập úng sau mưa bão sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, làm tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Nếu thực phẩm không được bảo quản, chế biến đảm bảo vệ sinh sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh dịch về đường tiêu hoá và ngộ độc thực phẩm.

 Sau mưa lũ, tại vùng ngập lụt môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề, nhất là nguồn nước. Các đồ đạc, vật dụng bao gồm cả dụng cụ chế biến thực phẩm bị vùi trong bùn đất, ngâm trong nước bẩn cùng với thiếu điều kiện ăn chín, uống sôi. Việc cứu trợ thực phẩm cho người dân thường bị ách tắc, nên thực phẩm càng dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố dẫn đến nguy cơ gây bệnh cho con người, đặc biệt là các bệnh dịch đường tiêu hoá như: tiêu chảy, tả, lỵ…và ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng trong mùa mưa lũ, người dân cần chú trọng thực hiện những việc sau:

 Trong mọi tình huống cố gắng thực hiện ăn chín uống sôi. Tốt nhất là nấu ăn gọn từng bữa, không nên để thừa thức ăn (nên ăn ngay sau khi nấu và không được sử dụng thực phẩm ôi thiu). Trường hợp không có điều kiện để đun nấu thì nên sử dụng các loại thực phẩm ăn liền như: thức ăn đóng gói, đóng hộp, nước đóng chai còn nguyên vẹn, hoặc sử dụng tạm thời những thực phẩm thay thế thông thường như: nước tương, muối  lạc,  muối vừng... các bộ phận của cây chuối (thân, củ, quả)…Tuyệt đối không được sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn. Vứt bỏ ngay tất cả các loại thực phẩm có thể không an toàn do đã tiếp xúc với nước ngập lụt (thậm chí không được nếm). Giữ gìn, bảo quản sạch sẽ thức ăn khỏi côn trùng và các loại động vật gây hại. Khi mua thực phẩm hoặc được cung cấp, cứu trợ phải rõ nguồn gốc và còn hạn thì mới được sử dụng. Chú ý lau sạch thực phẩm đóng hộp bằng khăn khử khuẩn trước khi mở ra ăn hoặc cất dự trữ, nhưng sau đó rửa sạch tay bằng xà phòng ngay.

Rửa sạch tay trước và trong quá chính chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh (sử dụng nước rửa tay khô nếu không có nước sạch và xà phòng). Nguồn nước dùng cho ăn uống phải được khử khuẩn và đun sôi trước khi sử dụng. Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Nếu trời mưa thì tranh thủ hứng nước mưa dự trữ vào các dụng cụ chứa đựng sạch để nấu nước uống và nấu thức ăn.

Khẩn trương thu dọn đồ đạc, vệ sinh môi trường sau bão lũ theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Thực hiện thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Lưu ý: vệ sinh, khử trùng tất cả các bề mặt và thiết bị đã tiếp xúc với nước ngập lụt bằng dung dịch Cloramin B 0,25% clo hoạt tính (lấy 100gam bột Cloramin B 25% clo hoạt tính hòa tan trong 10 lít nước). Thời gian giữ dung dịch trên bề mặt vật dụng là 15 - 30 phút.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm (như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, sốt…) cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ với cán bộ y tế địa phương để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.

Ăn chín, uống sôi là biện pháp tốt nhất để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ.

                                                                             Võ Mai CDC Bắc Kạn

1 2 3 4 5  ... 
Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 782
  • Trong tuần: 23 540
  • Tất cả: 1510255
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập