Bệnh giun sán rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Để phòng, chống nhiễm giun sán, trước hết cần phải đảm bảo 3 sạch: Ăn sạch, uống sạch, ở sạch.
Bệnh giun sán rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Để phòng, chống nhiễm giun sán, trước hết cần phải đảm bảo 3 sạch: Ăn sạch, uống sạch, ở sạch.
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun tại cộng đồng
Giun sán là loại sống ký sinh trên một vật chủ sống, chúng hấp thụ chất dinh dưỡng ở cơ thể vật chủ và làm cho vật chủ trở nên còi cọc, suy nhược cơ thể. Ngoài ra, khi bị nhiễm giun sán nặng còn dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: thiếu máu, tắc đường ruột, viêm tắc đường mật, ho ra máu, viêm màng não….Vì vậy, cần tẩy giun sán cho trẻ theo định kỳ hàng năm.
Trẻ có thể bị nhiễm giun sán qua đường ăn uống do thức ăn không sạch, chưa nấu chín kỹ, uống nước chưa đun sôi, ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch, tay bẩn, nguồn nước không vệ sinh, sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất và qua cả nguồn không khí bị ô nhiễm, ngậm đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi đại tiện.
Khi trẻ bị nhiễm giun sán, thường gầy gò, ốm yếu, xanh xao, bụng to bè, chậm lớn, biếng ăn và dễ nôn mửa. Ngoài ra, trẻ thường xuyên có biểu hiện đau bụng quanh rốn, bị rối loạn tiêu hóa và đi phân lỏng. Khi ngủ bé thường trằn trọc,gãi hậu môn do ngứa trong lúc ngủ.
Bệnh giun sán ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và sức khoẻ của trẻ do giun sán có thể tiết ra các loại độc tố hoặc thải ra các sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể trẻ.
Các loại giun tóc, giun móc bám vào niêm mạc ruột gây viêm loét ruột, thậm chí gây chảy máu khiến nhiều bé trở nên thiếu máu có khi phải truyền máu.
Giun đũa có thể gây tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy gây ra các triệu chứng đau bụng dai dẳng hoặc kịch phát, ói mửa, vàng da, viêm gan…
Với nang ấu trùng sán dây lợn khi ký sinh ở não có thể gây động kinh, làm đột tử, nếu ký sinh ở mắt có thể gây mù lòa
Giun chỉ bạch huyết gây phù voi da, tắc mạch bạch huyết và việc điều trị rất khó khăn. Đối với Sán lá phổi sẽ làm vỡ thành mạch máu phổi gây ho ra máu.
Giun sán có thể gây dị ứngcho vật chủ: giun đũa, giun tóc, đặc biệt giun xoắn gây dị ứng nặng, sốt cao,phù nề, tăng bạch cầu eosinophile. Các loại giun móc, tóc có thể luồn qua da gây viêm da.
Để không bị nhiễm giun sán thì cả người lớn và trẻ nhỏ cần phải đảm bảo 3 sạch, đó là: ăn sạch, uống sạch,ở sạch.
Phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, trước khi chế biến các món ăn hay chuẩn bị cơm cho trẻ. Các loại trái cây trước khi ăn nên rửa sạch, gọt vỏ.
Không được cho trẻ mút tay.Vì, mút tay trẻ dễ bị nhiễm giun kim và trứng giun kim có thể tồn tại trên bề mặt quần áo, chăn mền và đồ chơi khoảng 2, 3 tuần.
Thường xuyên cắt móng tay,móng chân cho bé. Hạn chế cho bé đi chân đất ra ngoài. Không để bé trườn, lăn, lê, bò toài dưới nền nhà không được lau chùi sạch sẽ.
Nhà cửa phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, dụng cụ hay đồ chơi dành cho trẻ luôn được vệ sinh hằng ngày và sau khi chơi.
Đối với trẻ 2 tuổi trở lênnên cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh giun sán rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống./.
Hà Ngọc Thạch
Khoa Ký sinh trùng-Côn trùng