PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ SỚM BỆNH GLÔCÔM "VÌ MỘT THẾ GIỚI KHÔNG MÙ LÒA"
Tuần lễ Glôcôm thế giới năm 2020 (từ ngày 08/3-14/3) chủ đề "Thị lực tốt nhất cho tất cả mọi người" với mục đích nhằm động viên cộng đồng tham gia vào các hoạt động chăm sóc Mắt và phòng chống mù lòa.
Tuần lễ Glôcôm thế giới năm 2020 (từ ngày 08/3-14/3) chủ đề "Thị lực tốt nhất cho tất cả mọi người" với mục đích nhằm động viên cộng đồng tham gia vào các hoạt động chăm sóc Mắt và phòng chống mù lòa.
Bác sỹ chuyên khoa khám và điều trị các bệnh về mắt cho người bệnh tại khoa Phòng khám đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm, ngành Y tế Bắc Kạn đã triển khai bằng các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại và mối nguy hiểm của bệnh, từ đó có ý thức chăm sóc mắt cho bản thân và gia đình. Đồng thời tại các cơ sở y tế tổ chức khám mắt miễn phí nhằm phát hiện bệnh Glôcôm cho những người từ 40 tuổi trở lên (đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm).
Bác sĩ chuyên khoa Mắt Hoàng Thị Lan - Trưởng Khoa phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Bệnh “Glocom” (Dân gian thường gọi Bệnh thiên đầu thống) là một bệnh lý của đầu dây thần kinh thị giác, tiến triển cấp và mãn tính. Bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, lõm, teo đĩa thị thần kinh...
Glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức mắt, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng bệnh. Bệnh Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù loà không có khả năng phục hồi ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thuỷ tinh thể. Bệnh không có thuốc điều trị, phẫu thuật cũng không thể phục hồi được những tổn thương do glôcôm gây ra.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm, đặc biệt là những người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh Glôcôm, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ như: viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống..."
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người bị Glôcôm, dự tính năm 2020 sẽ có 79,5 triệu và năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện nay, bệnh Glôcôm đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù trên thế giới. Ở Việt Nam, 65% bệnh nhân bị mù hai mắt do bệnh lý Glôcôm. Năm 2019, ngành Y tế Bắc Kạn khám mắt cho 18.869, Số người mắc các bệnh về mắt là 8.963, trong đó có 10 người bị Glôcôm.
Bác sĩ Hoàng Thị Lan khuyến cáo: "Đây là bệnh lý hết sức nguy hiểm vì bệnh chủ yếu diễn tiến âm thầm, cướp đi thị lực và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh không có thuốc điều trị dự phòng tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ tránh được mù lòa. Do vậy người dân nên khám định kỳ các bệnh về mắt (trong đó có bệnh Glôcôm) ít nhất 1 lần/năm. Những người ruột thịt của người bị Glôcôm nên chủ động đến các bệnh viện có chuyên khoa mắt hoặc các phòng khám chuyên khoa mắt để sàng lọc.
Để chẩn đoán bệnh Glôcôm, người bệnh cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt) và soi đáy mắt để đánh giá tình trạng đầu dây thần kinh thị giác."
Các bác sĩ chuyên khoa mắt khẳng định việc điều trị và theo dõi Glôcôm là suốt đời của người bệnh, bệnh chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn. Do vậy, khi mắc Glôcôm người bệnh nhất thiết phải đi khám định kỳ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát được diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác, phòng tránh mù lòa./.
Phương Thào - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật