image banner
PHÒNG NGỪA NGÃ Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Ngã là một tai nạn thương tích thường xảy ra ở người cao tuổi, hậu quả của ngã sẽ để lại các di chứng từ nhẹ đến nặng, như không đi lại, tự phục vụ được. Cuối cùng sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi do nằm lâu, dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm đường tiết niệu. v.v…

Ngã là một tai nạn thương tích thường xảy ra ở người cao tuổi, hậu quả của ngã sẽ để lại các di chứng từ nhẹ đến nặng, như không đi lại, tự phục vụ được. Cuối cùng sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người cao tuổi do nằm lâu, dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm đường tiết niệu. v.v…

Nguyên nhân ngã ở người cao tuổi:

Ở người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể suy giảm chức năng như: cơ teo yếu, khớp thoái hóa, thị lực giảm, trí tuệ sa sút, thiếu máu lên não, hay chóng mặt, nên đi lại khó khăn, dễ bị ngã. 

Người cao tuổi hay mắc các bệnh như suy tim, tăng huyết áp, bệnh khớp, đái tháo đường. v.v…nên thường phải sử dụng một số thuốc an thần, thuốc điều trị tăng huyết áp,thuốc điều trị bệnh khớp, đái tháo đường;hoặc do dùng nhiều loại thuốc khác nhau cùng một lúc. Đây là nguyên nhân làm cho người cao tuổi hay chóng mặt, mất thăng bằng khi đi, đứng, nên dễ bị ngã. 

Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh nên hay mất ngủ, tâm trạng mệt mỏi, buồn bã, thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không hợp lý... làm ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng của cơ thể khi di chuyển, nên dễ bị ngã. 

Người cao tuổi thường hay thắp hương ngày rằm, mồng một hoặc giỗ chạp; nếu bàn thờ cao,khi thắp hương phải trèo lên hoặc phải bắc ghế để thắp hương thì rất dễ chóng mặt rồi bị ngã.

Với các đặc điểm sinh, bệnh lý trên của người cao tuổi, nên càng dễ ngã khi nơi ở, điều kiện sống không an toàn như nền nhà lát bằng gạch trơn, nhà thiếu ánh sáng, giày dép không vừa chân, cầu thang quá cao, không có tay vịn.v.v...

Một nguyên nhân thường gặp khác gây ngã ở người cao tuổi là lên xuống bậc thang nhà sàn hoặc làm nhà vệ sinh cách nhà quá xa, đường đi đến nhà vệ sinh mấp mô, dốc thì nguy cơ ngã trên đường đi vệ sinh là rất cao.
 

Hình ảnh. Ngã gây gãy cổ  xương đùi ở người cao tuổi

Hậu quả của ngã:

Ngã sẽ gây thương tích từ nhẹ đến nặng như bầm tím phần mềm, bong gân, sai khớp, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là gãy xương hoặc chấn thương sọ não. Gãy xương hay gặp nhất là gãy cổ xương đùi, xương cánh tay, xương sườn, đầu dưới xương quay,xẹp đốt sống. Các chấn thương trên đều đau rất lâu, khả năng hồi phục là rất chậm.

Người cao tuổi khi ngã dễ bị gãy xương hơn so với người trẻ là do xương bị loãng, rất giòn và dễ gãy, có người chỉ trượt nhẹ trên sàn nhà, trượt chân ở bậc cầu thang đã bị gãy cổ xương đùi. Người cao tuổi bị loãng xương nặng thường là có tiền sử đã dùng các thuốc corticoide đường toàn thân kéo dài.

Khi ngã bị gãy xương sẽ giảm khả năng vận động, thời gian điều trị gãy xương ở người cao tuổi kéo dài do quá trình liền xương sau gãy là rất lâu so với người trẻ; dẫn đến nhiều biến chứng như: teo cơ, cứng khớp, loét vùng tì đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu. v.v...  để lại nhiều hậu quả cho bản thân; người nhà phải chăm sóc và gánh chịu chi phí khám chữa bệnh rất tốn kém.

Biện pháp phòng ngã:

Để phòng ngã ở người cao tuổi thì cần phải đi khám sức khỏe định kỳ để không chỉ theo dõi,đánh giá tình hình sức khỏe hiện tại mà còn sớm phát hiện bệnh về mắt, tai,khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim. v.v…từ đó có phương pháp điều trị kịp thời. 

Đối với những trường hợp đã có bệnh và đang điều trị theo dõi thì cần đi khám định kỳ, đúng lịch để bác sĩ tư vấn, điều trị để sống chung suốt đời với bệnh, hạn chế và làm chậm biến chứng của bệnh, duy trì sức khỏe.

Thay đổi môi trường sống cho phù hợp với sức khỏe người cao tuổi như làm thông thoáng nhà cửa; lát gạch hoặc trải thảm chống trơn nền nhà.

Nhà vệ sinh nên gần phòng ngủ trong phòng khép kín (đối với nhà xây); nhà vệ sinh làm đúng qui cách thì làm gần nhà (đối với nhà sàn, nhà đất).

Trong nhà đủ ánh sáng; thêm các thanh vịn bên trong và bên ngoài nhà tắm, thêm lan can hai bên cầu thang; cất bỏ các chướng ngại vật trên lối đi. v.v.

Người cao tuổi cần dùng giày dép phù hợp, không nên mặc quần quá dài; nên có dụng cụ trợ giúp như gậy, khung đi, xe lăn... để đi lại (nhất là những người mắt kém, khớp thoái hóa, yếu cơ, có tiền tử bị tai biến mạch máu não).

Bàn thờ trong nhà không nên làm loại quá cao, làm loại thấp, không phải bắc ghế hoặc không thì nhắc cho con cháu thắp hương thay mình. 

Đồng thời,người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn, vừa sức, tập luyện làm tăng cường sức mạnh của cơ, cải thiện thăng bằng và dáng đi.

Khi thay đổi tư thế như nằm chuyển sang ngồi, đang ngồi lại đứng dậy, hoặc các tư thế quay phải, quay trái đều phải từ từ, để có đủ thời gian giúp máu lên tới não. Khi thức giấc giữa đêm, người cao tuổi cần nằm yên khoảng một vài phút cho tỉnh táo mới ngồi dậy.

Lau khô ngay khi sàn nhà nhà bị ướt, chờ sàn nhà khô mới đi qua; phòng ngủ, bếp, phòng tắm,cầu thang cần có đầy đủ ánh sáng. Nút mở - tắt đèn nên đặt gần cửa ra vào để dễ dàng bật đèn, tránh tình trạng dò dẫm đi trong đêm. Các loại đồ đạc cần được thu gọn trong mép tường, không cản trở lối đi.

Điều lưu ý,người cao tuổi cần đi giầy dép có đế bám sát trên mặt sàn hay mặt đường. Không vội vàng khi đi nhất là nghe tiếng chuông điện thoại hay tiếng gọi cửa.

Các vật dụng thường dùng trong nhà không nên cất nơi quá cao hoặc quá thấp, bởi khi nhón chân cao hoặc cúi xuống lấy sẽ dễ gây ngã.

Khi bị ngã,bị thương ở chân hay xương sống thì không nên cố đứng dậy mà nên nằm yên rồi gọi giúp đỡ. Nếu không thể có ai trợ giúp, khi đỡ đau, có thể từ từ đứng dậy, trước khi đứng dậy, nắm chặt bàn tay, cọ quậy đầu ngón chân để máu dồn về trung tâm cơ thể.

Đối với người cao tuổi bị đau nhức chân hoặc sau tai biến khi bước đi thì gậy và chân đau phải chuyển động cùng một lúc. Bước lên bậc thềm, cầu thang bằng chân không đau trước, rồi chống gậy và bước chân đau lên bậc thang, liên tiếp như vậy cho đến bậc thang cuối.

Đối với một số người cao tuổi yếu, vừa ốm dậy, hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh mạn tính có tác dụng phụ gây chóng mặt cần sử dụng gậy chống, chiều dài của gậy phải vừa tầm. Nếu khó khăn, không thể chống gậy đi được thì con cháu phải dìu.

Người cao tuổi cần điều trị tích cực bệnh mạn tính như thoái hóa khớp, thần kinh,bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường. v.v… không được tự đi mua thuốc mà phải đi khám bác sỹ. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ khoáng chất (quan trọng nhất là canxi) và vitamin (quan trọng nhất là vitamin D). Ngoài sữa và các chế phẩm từ sữa, trong khẩu phần ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng canxi hữu cơ cao như tăng cường các loại hải, thủy sản tôm, cua, cá, ốc. v.v... Tăng cường ăn các loại rau quả có màu sắc đậm: rau cải xanh, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, bông cải xanh,rau bó xôi; các loại rau mầm, ớt ngọt, cam tươi, đu đủ... . Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia./.

BS. Nguyễn Thái Hồng

Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 174
  • Trong tuần: 12 117
  • Tất cả: 1785306
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập