image banner
100 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VIÊM GAN C
100 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VIÊM GAN C

 

1.  Hỏi: Viêm gan virus là gì?

Đáp: Viêm gan virus là bệnh viêm gan do virus gây ra. Hiện nay, người ta đã biết có 5 loại virus gây viêm gan, gọi tên làvirus viêm gan A, B, C, D, E. Trong đó, viêm gan virus A, B, Clà phổ biến hơn cả. Viêm gan virus B và C được quan tâm nhiều nhất ở nước ta hiện nay, vì có thể gây ra xơ gan, ung thư gan.

Ngoài 5 loại virus kể trên, còn có những loại virus khác đôi khi cũng làm viêm gan, ví dụ như CMV (cytomegalovirus),virus Herpes, virus EpsteinBarr, ...

Viêm gan A, viêm gan B, và viêm gan C, E là những bệnh do 3 loại virus khác nhau gây ra. Mặc dù 4 loại viêm gan này có một số triệu chứng giống nhau, nhưng chúng có những kiểu lây truyền khác nhau và ảnh hướng tới gan khác nhau.

Viêm gan A, E chỉ xảy ra cấp tính và là nhiễm trùng mới mắc phải, và không trở thành mãn tính. Người bị viêm gan A thường tự khỏi bệnh, ít khi phải vào bệnh viện phải điều trị.

Viêm gan B và viêm gan C có thể cũng bắt đầu biểu hiện như nhiễm trùng cấp tính, nhưng ở nhiều người virus sẽ còn duy trì trong cơ thể, hệ quả là bệnh chuyển thành mãn tính cùng những vấn đề lâu dài đối với gan.

Hiện có vaccine để phòng ngừa viêm gan A và B, nhưng chưa có vắc xin ngừa viêm gan C.

Viêm gan vi rút D chỉ mắc khi đã mắc trước vi rút viêm gan B, tức vi rút này là vi rút sống ký sinh. Tức mắc viêm gan D thì chắc chắc là mắc viêm gan B.

Người từng mắc một dạng viêm gan virus trước đây vẫn có thể nhiễm thêm các dạng virus khác. 

2.  Hỏi: Viêm gan C được phát hiện ra từ năm nào?

Trả lời: Giả thuyết về bệnh viêm gan siêu vi C (lúc đầu gọi là "không A không B")được đưa ra vào thập niên 70 và đến năm 1989 thì xác định là bệnh viêm gan siêu vi C

3.  Hỏi: Vai trò của lá gan là gì?

Trả lời:

- Gan có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, có chức năng chính trong biến đổi thức ăn thành những chất cần thiết cho sự sống và phát triển; tất các các thuốc khi vào cơ thể phải qua lá gan để được chuyển hóa. Vì vậy gan đóng vai trò như là một nhà máy lọc và tinh chế.

- Gan còn có chức năng đông máu và chống đông máu; chức năng tạo máu và dự trữ máu. Chức năng giải độc, bài tiết các chất độc trong cơ thể. Chức năng tạo tạo mật để giúp tiêu hóa thức ăn.

Vì vậy khi gan bị nhiễm độc hoặc bị viêm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

4.  Hỏi: Những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm gan?

Trả lời:  Nguyên nhân gây viêm gan là: do virus, độc chất, một số loại thuốc, rượu bia, vi khuẩn,ký sinh trùng  hoặc trong một vài bệnh lý (bệnh tích lũy đồng, bệnh tích lũy sắt, bất thường hệ thống miễn dịch, ...). Trong các nguyên nhân trên hay gặp nhất là viêm gan do virus,viêm gan do rượu.

5.  Hỏi: Có bao nhiêu phần trăm những người viêm gan C cấp sẽ chuyển thành mãn tính?

Trả lời: Khoảng 75-85% những người nhiễm virus viêm gan C sẽ chuyển thành mãn tính.

6.  Hỏi: Viêm gan C lây truyền như thế nào?

Trả lời: Viêm gan C thường lây truyền khi máu của người nhiễm virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể của người chưa bị nhiễm. Ngày nay, hầu hết những người bị nhiễm VGC là do trước kia đã từng sử dụng chung kim tiêm hoặc các vật dụng khác để tiêm thuốc.

Virus viêm gan C có thể lây truyền theo các con đường sau:

Dùng chung kim tiêm, hoặc các vật dụng khác để tiêm thuốc với người mang virus viêm gan C

Nhân viên y tế bị kim đâm trong khi làm việc

Con được sinh ra từ người mẹ mang virus viêm gan C

Dùng chung một số vật dụng với người mang virus viêm gan C (như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,...) 

Quan hệ tình dục với người mang virus viêm gan C

7.  Hỏi: Virus viêm gan C có thể lây qua đường tình dục hay không?

Trả lời: Có. Nhưng nguy cơ lây truyền qua đường tình dục được cho là thấp. Nguy cơ tăng lên đối với người quan hệ tình dục với nhiều người, có bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ tình dục thô bạo, hoặc nhiễm HIV. 

8.  Hỏi: Có thể bị nhiễm virus viêm gan C khi xăm mình hoặc xỏ lỗ (khuyên tai, khuyên rốn, ...) hay không?

Trả lời: Có. Bạn có nguy cơ bị lây nhiễm virus viêm gan C nếu xăm mình hoặc xỏ lỗ mà vô trùng kém, không sử dụng dụng cụ tiệt trùng (dùng 1 lần). 

9.  Hỏi: Virus viêm gan C có lây lan khi tiếp xúc trong gia đình hay không?

Trả lời: Có. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra, trừ khi có tiếp xúc trực tiếp của vùng da bị tổn thương với máu của người nhiễm virus VGC sống cùng trong nhà. 

10.  Hỏi: Virus viêm gan C có thể sống bao lâu ở bên ngoài cơ thể ?

Trả lời: Virus viêm gan C có thể sống ngoài cơ thể, ở nhiệt độ phòng, trong thời gian ít nhất là 16 giờ, nhưng không lâu hơn 4 ngày.

11.  Hỏi: Virus viêm gan C có lây truyền khi bị muỗi chích hoặc côn trùng cắn?

Trả lời: Không. Hiện không có bằng chứng nào về việc bị nhiễm virus viêm gan C do muỗi chích hoặc côn trùng cắn.

12.   Hỏi: Viêm gan siêu vi C cấp tính có những triệu chứng (biểu hiện) gì?

Trả lời: Khoảng 70-80% những người bị viêm gan siêu vi C cấp không có bất cứ biểu hiện (triệu chứng) nào. Tuy nhiên, một số người sẽ có những biểu hiện từ nhẹ tới nặng sau khi bị nhiễm virus, bao gồm:

Sốt                             Buồn nôn

Mệt mỏi                     Nôn     

Chán ăn                     Đau bụng

Nước tiểu sậm màu    Vàng da/mắt 

13.   Hỏi: Nhiễm virus viêm gan C bao lâu thì bắt đầu biểu hiện triệu chứng viêm gan C cấp?

Trả lời: Nếu có triệu chứng thì những triệu chứng này xuất hiện sau khi nhiễm virus viêm gan C trung bình 6-7 tuần, nhưng cũng có thể dao động từ 2 tuần - 6 tháng. Tuy nhiên, phần lớn người bị viêm gan C không biểu hiện triệu chứng. 

14.   Hỏi: Người mang virus viêm gan C không triệu chứng thì có thể lây bệnh cho người khác không?

Trả lời: . Mặc dù không biểu hiện triệu chứng, nhưng người đó vẫn có thể lây truyền virus cho người khác. 

15.   Hỏi: Viêm gan C mạn biểu hiện triệu chứng như thế nào?

Trả lời: Hầu hết bệnh nhân viêm gan C mạn không có triệu chứng. Tuy nhiên, người bị nhiễm virus viêm gan C trong nhiều năm thì gan có thể bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, bệnh không biểu hiện triệu chứng cho tới khi xuất hiện những biến chứng.

Ở những bệnh nhân không có triệu chứng, viêm gan C thường được phát hiện nhờ xét nghiệm men gan trong máu (ALT, AST) thấy tăng cao. 

16.   Hỏi: Viêm gan C mạn tính liệu có nguy hiểm không?

Trả lời: Viêm gan C mạn tính là một bệnh nguy hiểm, vì có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong. 

17.   Hỏi: Hệ quả lâu dài của viêm gan C là gì?

Trả lời: Theo ước tính, cứ 100 người bị nhiễm virus viêm gan C thì sẽ có 75 tới 85 người bị nhiễm virus viêm gan C mạn. Trong số đó:

-         Có 60 - 70 người bị bệnh lý gan mạn tính

-         Có 5-20 người bị xơ gan sau khoảng thời gian 20-30 năm

-         Có 1-5 người tử vong do xơ gan hoặc ung thư gan

18.   Hỏi: Viêm gan C mạn tính có thể chữa khỏi hay không?

Trả lời: Có. Viêm gan C mạn tính là bệnh có thể chữa khỏi. Hiện nay có nhiều loại thuốc dùng cho điều cho điều trị viêm gan C mạn, trong đó có nhiều loại thuốc mới ra đời, hiệu quả ngày càng cao và ít tác dụng phụ hơn. 

19.   Hỏi: Tôi nghe nói có thuốc uống để điều trị viêm gan C?

Trả lời: Đúng vậy. Hiện nay tại Việt Nam đã có thuốc uống để điều trị viêm gan C. Do đó, có một số trường hợp không nhất thiết phải sử dụng thuốc tiêm như trước kia nữa. Bệnh nhân điều trị bằng phác đồ mới thì ít tác dụng phụ hơn, chi phí cũng đã giảm rất nhiều so với trước đây. Thời gian điều trị chỉ còn 3-6 tháng (so với thời gian điều trị bằng thuốc tiêm trước kia là 6-12 tháng, thậm chí 18 tháng). Tỉ lệ thành công có thể đạt tới trên 98-99%.

Tại Việt Nam, hiện đã có một số loại thuốc được Bộ Y Tế cho phép lưu hành có hoạt chất sofosbuvir, thuốc phối hợp 2 hoạt chất gồm Sofosbuvir + Ledipasvir, hoặc thuốc có hoạt chất Daclatasvir. Việc sử dụng hợp lý những thuốc trên sẽ đem lại cơ hội điều trị khỏi bệnh viêm gan virus C cho rất nhiều bệnh nhân, kể cả những trường hợp bệnh nhân đã bị xơ gan nặng. 

20.   Hỏi: Tại sao VGB không điều trị khỏi mà VGC lại điều trị khỏi

Trả lời: Hiện nay các thuốc điều trị VGB chỉ làm giảm và khống chế sự nhân lên của vi rút mà không thể tiêu diệt sạch vi rút VGB. Nguyên nhân là khi virút VGB xâm nhập vào tế bào gan thì đoạn gen của vi rút VGB sẽ được phóng thích vào trong nhân tế bào gan, rồi cuộn tròn trong đó. Hiện nay không có loại thuốc nào ngấm vào trong nhân tế bào gan, nên không điều trị khỏi được.

Ngược lại đối với VGC điều trị khỏi là do vi rút VGC khi xâm nhập vào tế bào gan thì chỉ nhân lên trong tế bào chất của tế bào gan mà không chui vào nhân tế bào gan. Nên các thuốc điều trị kháng vi rút VGC hiện nay đã tiêu diệt sạch các vi rút VGC trong tế bào gan, nên ai bị nhiễm VGC sẽ điều trị khỏi.

21.  Hỏi: Điều trị viêm gan C bây giờ đã trở nên dễ dàng?

Trả lời: Điều trị viêm gan C mạn hiện nay đã đỡ phức tạp hơn trước kia (tỉ lệ thành công cao hơn, ít tác dụng phụ hơn, thời gian điều trị ngắn hơn).

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức, có những trường hợp khó điều trị và vẫn có thể thất bại, hoặc vẫn tồn tại nguy cơ biến chứng của bệnh viêm gan C (xơ gan, ung thư gan). Do đó, người thầy thuốc phải biết quyết định lựa chọn phác đồ phù hợp tối ưu nhất đối với từng trường hợp bệnh nhân. Cụ thể là, phải lựa chọn phác đồ nào, điều trị trong bao lâu là thích hợp, nhằm đạt hiệu quả tối đa (khỏi bệnh) với thời gian điều trị ngắn nhất và tích kiệm chi phí tối đa cho người bệnh.

22.   Hỏi: Viêm gan C có tự khỏi không?

Trả lời: Có khoảng 15-25% bệnh nhân nhiễm virus VGC có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị. Đối với 75%-85% trường hợp còn lại bệnh không tự khỏi, cần điều trị để tránh những biến chứng lâu dài. 

23.   Hỏi: Người bị viêm gan C mạn tính phải làm thế nào để bảo vệ tốt lá gan của mình?

Trả lời: Những người bị việm gan C mạn tính cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực viêm gan. Nên tránh uống rượu bia (để hạn chế tổn thương thêm cho gan). Khi dùng thêm bất cứ thuốc gì cũng cần được tư vấn bởi bác sĩ, để tránh những thuốc gây hại cho gan, đặc biệt là Paracetamol và các thuốc chứa CORTICOSTEROID.

Nên tiêm ngừa viêm gan A, viêm gan B (nếu chưa bị nhiễm virus VGB) và vắc xin cúm, vì nếu mắc cúm thì phải dùng Paracetamol là thuốc rất độc với lá gan.

24.  Hỏi: Tại sao tiêm chích ma túy lại có tỷ lệ VGC cao nhất?

Trả lời: Người nghiện ma túy bằng đường tiêm chích thường có hành vi chích chung nhau 01 xi lin, nếu người chích thứ nhất mà nhiễm VGC thì sẽ làm lây truyền cho người thứ hai trở đi. Do VGC là loại vi rút có tỷ lệ lây nhiễm qua đường máu cao nhất. Tỷ lệ nhiễm vi rút VGC trên các đối tượng nghiện ma túy đang uống thuốc Methadone ở Bắc Năm 2019 là 61,1%

25.  Hỏi: Tại sao Bác sỹ bảo tôi điều trị VGC khỏi rồi mà xét nghiệm vẫn còn AntiHCV (+)

Trả lời: Do đặc điểm của vi rút VGC chỉ có kháng thể  duy nhất là Anti HCV,  kháng thể này sẽ tồn tại suốt đời,  Anti HCV dương tính cho thấy bệnh nhân đã từng tiếp xúc với người nhiễm virus và cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại mà không thể xác định là đã sạch vi rút VGC chưa. Nên những người đã điều trị sạch vi rút VGC tức là khỏi, xét nghiệm HCV-RNA sẽ âm tính, nhưng Anti HCV sẽ dương tính suốt đời.

26.  Hỏi: Anti HCV là gì?

Trả lời: Anti-HCV (Anti HepatitisC Virus) là kháng thể chống lại HCV, chỉ  phát hiện ở 2-3 tháng sau nhiễm và tồn tại lâu dài sau khi nhiễm. Anti-HCV là xét nghiệm sàng lọc, không phân biệt được nhiễm cấp, nhiễm cũ với hiện nhiễm.

27.  Hỏi: HCV-RNA là gì?

Trả lời: HCV-RNA là xét nghiệm khẳng định nhiễm HCV bằng kỹ thuật sinh học phân tử  trên máy Reatime-PCR;  HCV-RNA(+) là nhiễm HCV cấp từ 2-3 tuần sau nhiễm. HCV-RNA(+)  là khẳng định nhiễm HCV mãn khi AntiHCV (+) trên 6 tháng, là xét nghiệm để chỉ định, theo dõi điều trị.

28.  Hỏi: Làm thế nào để biết tôi đã hoặc đang bị viêm gan C và có cần điều trị hay không?

Trả lời: Để biết đã hoặc đang bị viêmgan C hay không chỉ cần làm xét nghiệm Anti HCV và HCV RNA. Anti HCV là kháng thể do cơ thể tạo ra còn HCV RNA là các bản sao của virút viêm gan C.

Nếu AntiHCV (+) và HCV RNA (-) bạn đã bị nhiễm VGC nhưng đã khỏi bệnh, không cần điều trị.

Nếu AntiHCV (+) và HCV RNA (+) bạn đang bị nhiễm VGC, bạn cần phải điều trị.

29.  Hỏi: Khi tôi đã được chẩn đoán chắc chắn là viêm gan C mạn thì điều trị thời điểm nào là tốt nhất?

Trả lời: Bạn điều trị càng sớm càng tốt vì mới bị thì tuổi còn trẻ và gan chưa bị xơ hóa nặng hay xơ gan thì việc điều trị sẽ dễ dàng và tỷ lệ khỏi bệnh cao hơn. Điều trị sớm cũng có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm và hạn chế thấp nhất khả năng biến chứng xơ gan và ung thư gan.

30.  Hỏi: Thuốc kháng vi rút trực tiếp DAA là gì?

Trả lời: Là thuốc tác động trực tiếp vào các protein không cấu trúc (NS) đặc hiệu của virus viêm gan C, qua đó làm gián đoạn sự nhân lên và quá trình gây nhiễm của virus. Các thuốc DAA mới như  sofosbuvir, daclatasvir,sofosbuvir/ledipasvir, sofosbuvir/velpatasvir, grazoprevir/elbasvir… hiện nay đã có tại Việt Nam. Các thuốc này được sử dụng điều trị cho người bệnh với thời gian điều trị ngắn trong 12 tuần hoặc 24 tuần nếu có xơ gan. Thuốc được sử dụng bằng đường uống, ít tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao đến 95- 98%

31.  Hỏi: Phác đồ điều trị viêm gan C mạn nào là tốt nhất, tại sao?

Trả lời: Tính đến thời điểm hiện nay các phác đồ điều trị viêm gan C mạn bằng DAAs là tốt nhất.

Típ 2 điều trị bằng Sofosbuvir + Ribavirin hoặc Sofosbuvir +Daclatasvir thời gian 12 tuần. 

Típ 1 và 6: Sofosbuvir + Ledipasvir thời gian 12 tuần. 

32.   Hỏi: Điều trị bằng DAAs có ưu điểm gì?

Điều trị bằng DAAs có tỷ lệ thành công từ 93% tới 99%.

Thuốc mới DAAs rất an toàn và có ít tác dụng phụ. (Rất hiếm gặp các biểu hiện không mong muốn như đau đầu vài ngày đầu, khó ngủ).

Tiết kiệm chi phí mua thuốc, tổng chi phí cho 3 tháng là 30 - 50 triệu VNĐ

Rút ngắn thời gian điều trị viêm gan C mạn xuống còn 12 tuần.

Các bệnh nhân điều trị ngoại trú tại nhà (không nằm viện), bệnh nhân vẫn làm việc, công tác, học tập, du lịch bình thường.

Trong thời gian điều trị không cần kiêng cữ ăn uống

Vẫn uống các thuốc điều trị bệnh khác bình thường: Tiểu đường, cao huyết áp, kháng sinh, giảm đau...

Thuốc mới DAAs rất  dễ tuân thủ chỉ uống 1-3 viên thuốc mỗi ngày.

Mở rộng phạm vi điều trị cho cả các bệnh nhân: Xơ gan, xơ gan mất bù, các bệnh nhân đã thất bại khi điều trị bằng interferon hoặc có chống chỉ định với chích Interferon.

33.  Hỏi: Tôi bị viêm gan C mạn típ 2 đã tiêm thuốc không khỏi, hiện tại Fibroscan F4, tôi điều trị phác đồ nào là tốt nhất? thời gian điều trị là bao lâu?

Trả lời: Viêm gan C mạn típ 2 đã tiêm thuốc không khỏi, hiện tại Fibroscan F4, phác đồ tốt nhất là: Sofosbuvir +Ribavirin thời gian điều trị là 16 tuần.

34.  Hỏi: Các bệnh nhân bị viêm gan C mạn típ 1 hoặc 6 đã tiêm thuốc không khỏi, hiện tại siêu âm gan bình thường, điều trị phác đồ nào là tốt nhất? thời gian điều trị là bao lâu?

Trả lời: Viêm gan C mạn típ 1 hoặc 6 đã tiêm thuốc không khỏi, chưa có xơ gan, phác đồ tốt nhất là: Sofosbuvir+ Ledipasvir thời gian điều trị là 12 tuần.

35.  Hỏi: Tôi bị viêm gan C mạn típ 1 đã tiêm thuốc không khỏi, hiện tại Fibroscan F4, tôi điều trị phác đồ nào là tốt nhất? thời gian điều trị là bao lâu?

Trả lời: Viêm gan C mạn típ 1 đã tiêm thuốc không khỏi, Fibroscan F4, phác đồ tốt nhất là : Sofosbuvir+ Ledipasvir + Ribavirin thời gian điều trị là 12 tuần hoặc Sofosbuvir + Ledipasvir thời gian điều trị là 24 tuần.

36.  Hỏi: Tôi bị viêm gan C mạn típ 1 đã uống Sofosbuvir + Ribavirin thời gian 6 tháng nhưng lại bị tái phát, gần đây xét nghiệm HCV RNA 4.3 x 10IU, tôi điều trị phác đồ nào là tốt nhất? thời gian điều trị là bao lâu?

Trả lời: Viêm gan C mạn típ 1 đã thất bại điều trị bằng Sofosbuvir + Ribavirin, phác đồ điều trị lại tốt nhất là: Sofosbuvir + Ledipasvir + Ribavirin thời gian điều trị là 24 tuần.

37.  Hỏi: Tôi bị viêm gan C mạn típ 1 đã điều trị bằng thuốc tiêm (Peg INF) + Ribavirin, sau 3,6 và 12 tháng, xét nghiệm HCV RNA dưới ngưỡng, ngừng điều trị 3 tháng xét nghiệm HCV RNA lại 4.200.000 cps. BS có thể giải thích tại sao như vậy không? 

Trả lời: Bạn đã điều trị viêm gan C mạn típ 1 đúng phác đồ và đủ thời gian nhưng bị thất bại điều trị. Thuốc bạn dùng Peg INFcó tác dụng ức chế HCV và điều biến miễn dịch, điều này có nghĩa là ngoài tác dụng của thuốc, hệ miễn dịch của bạn cũng phải "tích cực hoạt động"thì bạn mới có cơ hội khỏi hẳn. Trên thực tế điều trị viêm gan C típ 1bằng Peg INF và RBV tỷ lệ khỏi bệnh chỉ trên dưới 60%.

38.  Hỏi: Kết quả xét nghiệm HCV RNA ghi: "dưới ngưỡng phát hiện" và "không phát hiện được" có gì khác nhau không?

Trả lời:

Khi trả kết quả xét nghiệm HCV RNA ghi: "dưới ngưỡng phát hiện" điều này có nghĩa có thể không còn hoặc còn 1 số lượng rất ít virút nhưng dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm.

Khi trả kết quả xét nghiệm HCV RNA ghi: "Không phát hiện được"  hay "Targetnot detected" điều này có nghĩa trong máu bạn sạch vi rút HCV, đây là kết quả đáng mong đợi nhất. Nếu bạn làm xét nghiệm vào thời điểm sau uống thuốc 4 tuần và xét nghiệm bằng máy có ngưỡng phát hiện rất thấp, đó là tín hiệu cho biết bạn có khả năng khỏi hẳn bệnh rất cao.

39.  Hỏi: Sau khi ngừng uống thuốc tôi cần làm xét nghiệm gì đểbiết mình có khỏi hẳn viêm gan C mạn hay không?

Trả lời: Thông thường bạn uống thuốc DAAs 3 tháng rồi ngừng điều trị. Bạn không cần uống thêm bất cứ loại thuốc nào nữa.

Bạn cần làm lại xét nghiệm HCV RNA sau 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị. Nếu kết quả là "không phát hiện được" thì bạn đã khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên xét nghiệm Anti HCV vẫn dương tính, đây là kháng thể do cơ thể bạn tạo ra.

40.   Hỏi: Vi rút VGC có mấy kiểu gen?

Trả lời: Vi rút VGC có 6 kiểu gen: 1, 2, 3, 4, 5,6. Mỗi kiểu gen lại chia thành nhiều dưới nhóm như a, b,...Ở Việt Nam, các kiểu gen thường gặp là 1, 6, 2 và 3.

41.  Hỏi: Bệnh nhân bị viêm gan C mạn đã xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan có điều trị bằng DAAs được không? Điều trị có tác dụng gì?

Trả lời: Các bệnh nhân bị viêm gan C mạn đã xơ gan, xơ gan mất bù, ung thư gan thì vẫn điều trị bằng phác đồ dùng DAAs:

Típ 2 điều trị bằng: Sofosbuvir + Ribavirin hoặc Sofosbuvir +Daclatasvir

Típ 1 và 6 điều trị bằng: Sofosbuvir + Ledipasvir. 

Việc điều trị sạch HCV có thể làm tiên lượng bệnh tốt hơn, ngăn ngừa các đợt bùng phát viêm gan do hóa trị, xạ trị, dùng thuốc ức chế miễn dịch ... Tuy nhiên các bác sĩ sẽ cân nhắc đến khả năng sống còn của từng bệnh nhân cụ thể mới quyết định được có nên điều trị hay không.

42.  Hỏi: Bệnh nhân bị viêm gan C mạn đồng nhiễm HIV thì có điều trị bằng DAAs được không? 

Trả lời: Các bệnh nhân bị viêm gan C mạn đồng nhiễm HIV thì vẫn điều trị bằng phác đồ dùng DAAs:

Típ 2 điều trị bằng: Sofosbuvir+ Ribavirin hoặc Sofosbuvir +Daclatasvir

Típ  1và 6 điều trị bằng: Sofosbuvir +Ledipasvir.

Trong thời gian điều trị vẫn uống ARV bình thường.

43.  Hỏi: Bệnh nhân bị viêm gan C mạn đồng nhiễm viêm gan B thì có điều trị bằng DAAs được không? 

Trả lời: Các bệnh nhân bị viêm gan Cmạn đồng nhiễm viêm gan B thì vẫn điều trị bằng phác đồ dùng DAAs:

Típ 2 điều trị bằng: Sofosbuvir + Ribavirin hoặc Sofosbuvir +Daclatasvir

Típ 1 và 6 điều trị bằng: Sofosbuvir + Ledipasvir. 

Trước và sau khi tiến hành điều trị viêm gan C phải xét nghiệm HBV DNA. Nếu sau khi điều trị Viêm gan C số lượng vi rút VGB cao thì điều trị bằng Entercavir hoặc Tenofovir. Thời gian điều trị viêm gan B nên kéo dài ít nhất 2 năm, khi ngừng thuốc phải được sự theo dõi của bác sĩ. 

44.  Câu hỏi: FIBROSCAN là gì? roscan

Trả lời: FIBROSCAN là là một phương pháp siêu âm mới, để đánh giá mức độ xơ gan một cách định lượng bằng cách đo độ cứng của gan, đồng thời cũng có khả năng đánh giá độ nhiễm mỡ gan dựa trên “thông số giảm âm được kiểm soát” bằng cách tính toán từ tín hiệu siêu âm trong phép đo độ cứng. FibroScan có khả năng đo đồng thời mức độ xơ hóa và nhiễm mỡ của gan với các ưu điểm nổi bật sau: không xâm lấn (không gây đau cho bệnh nhân), nhanh chóng, chính xác (tương đương sinh thiết gan) và giá thành rẻ.

45. Câu hỏi: Ý nghĩa lâm sàng của các mức độ xơ hóa gan là gì?

Trả lời: Có 4 thang điểm để đáng giá mức độ xơ hóa của gan như sau

1-5 kPa:             F0, không xơ hóa

5,1-7 kPa:          F1,  xơ hóa nhẹ

7,1-9,5 kPa:       F2,  xơ hóa xơ lan tỏa đến các vùng gan quanh mạch máu.

9,6- 12,5 kPa:    F3,  xơ hóa xơ trải rộng và có sự nối các vùng gan bị xơ với nhau

> 12,5 kPa:        F4: được chẩn đoán là xơ gan

46.  Câu hỏi: Chỉ định của siêu âm FibroScan là gì?

Trả lời: FibroScan có thể được chỉ định khá rộng rãi trong thực tế lâm sàng để phát hiện, đánh giá giai đoạn, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng xơ hóa và nhiễm mỡ gan ở tất cả các bệnh nhân bị bệnh gan mạn, bao gồm:

- Các bệnh viêm gan mạn do virus

- Các bệnh chuyển hóa: Đái tháo đường, bệnh gan/viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

- Bệnh gan do rượu

- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

- Các bệnh gan khác

47.  Hỏi: Bệnh nhân viêm gan C mạn, FIBROSCAN F4 sau khi điều trị gan có giảm xuống F3, F2, F1 được không?

Trả lời: Bệnh nhân viêm gan C mạn, FIBROSCANF4 sau khi được điều trị khỏi hẳn thì tình trạng xơ hóa của gan phần lớn sẽ giảm xuống F3, F2, thậm chí F1. Bạn cần làm lại FIBROSCAN, Siêu âm bụng tổng quát và AFP mỗi 6 tháng 1 lần để đánh giá tình trạng xơ hóa của gan và phát hiện sớm u gan.

48. Hỏi: Làm thế nào đề phòng tránh viêm gan C?

Đối với người chưa nhiễm bệnh

Tuyệt đối không được dùng chung kim tiêm hoặc bất cứ dụng cụ cá nhân nào với người khác

Tránh quan hệ không an toàn

Không xỏ lỗ tai, xăm mình nếu chưa biết chắc chắn các dụng cụ đã được tiệt trùng đảm bảo hay chưa

Sống chung thủy

Có ý thức bảo vệ gan khỏi những tác nhân có hại

Đối với người bệnh viêm gan C:

Cần có ý thức để tránh lây nhiễm cho người khác, bằng cách:

Để riêng những vật dụng có nguy cơ dính máu (như dao cạo, bàn chải,…)

Không quan hệ khi đến chu kì kinh nguyệt

Nếu người nữ bị viêm gan C mà đang trong thời gian hành kinh, sau khi tắm xong nên dội sạch nước dưới sàn (có thể dùng một số chất tẩy rửa để rửa sạch sàn), gói và vứt băng vệ  sinh gọn gàng.

Có bông băng để băng vết thương chảy máu

Dự găng tay để đề phòng trường hợp bị thương cần người khác chăm sóc

Tuyệt đối tuân thủ quy định của bác sĩ

Người nữ muốn mang thai nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ.

49. Hỏi: Chẩn đoán viêm gan C cấp thế nào?

Trả lời: Xét nghiệm HCV RNA dương tính, anti-HCV có thể âm tính hoặc dương tính

AST, ALTbình thường hoặc tăng (Khi gan bị tổn thương thì 2 chỉ số này sẽ tăng cao)

Thời gian mắc bệnh dưới 6 tháng: Người bệnh được theo dõi có chuyển từ anti – HCV âm tính thành dương tính hay không, có thể có các triệu chứng lâm sàng hoặc không.

50.   Hỏi: Chẩn đoán xác định viêm gan vi rút C mạn

Trả lời: Anti HCV dương tính, HCV RNA dương tính;

51.  Hỏi: Ai nên đi kiểm tra viêm gan siêu vi C? 

Trả lời:

·  Bất cứ ai từng tiêm chích, thậm chí chỉ một lần hoặc là từ rất lâu

·  Người nhiễm HIV, VGB

·  Người thân trong gia đình có người nghiện chích ma túy, nhất là vợ

·  Người nhận truyền máu hoặc ghép tạng

·  Người tiếp xúc với máu khi làm việc với kim tiêm hoặc vết thương khác

·  Người chạy thận nhân tạo

·  Người có xét nghiệm men gan tăng hoặc có bệnh gan

52.   Hỏi: Bạn có thể có kết quả Anti - HCV dương tính giả không?

Trả lời: Có thể. Xét nghiệm dương tính giả nghĩa là xét nghiệm đó có vẻ như dương tính trong khi thật sự nó là âm tính. Điều này thường xảy ra ở một người ít nguy cơ bị nhiễm một loại bệnh mà họ đang đựơc xét nghiệm. Ví dụ, xét nghiệm anti-HCV dương tính giả thường xảy ra ở những người hiến máu ít nguy cơ viêm gan C. Do đó cần phải kiểm tra những xét nghiệm anti - HCV dương tính bằng một xét nghiệm bổ sung vì đa số các xét nghiệm anti-HCV dương tính giả sau này đều được báo cáo là âm tính khi kiểm tra lại bằng xét nghiệm bổ sung. 

53.   Hỏi: Bạn có thể có kết quả anti HCV âm tính giả không?

Trả lời: Có thể. Các bệnh nhân mới nhiễm có thể có kết quả âm tính giả do cơ thể họ chưa sản xuất đủ lượng kháng thể để có thể nhận biết được bằng xét nghiệm anti HCV. Ngoài ra, ở một số người, đáp ứng miễn dịch không tốt nên kết qủa xét nghiệm không chính xác. Đối với những trường hợp này, có thể dùng xét nghiệm PCR để xác định.

54.   Hỏi: Bao lâu sau khi phơi nhiễm HCV thì kết quả anti-HCVmới dương tính?

Trả lời: Anti-HCV có thể tìm thấy ở 70% trường hợp khi bắt đầu có triệu chứng và khoảng 90% trong vòng 3 tháng sau.Tuy nhiên, cần ghi nhớ một điều quan trọng là nhiều người bị viêm gan C nhưng lại không có triệu chứng.

55.   Hỏi: Sau phơi nhiễm HCV bao lâu thì xét nghiệm PCR mới dương tính?

Trả lời:  HCV-RNA sẽ được phát hiện trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi nhiễm virus VGC

56.  Hỏi: Bước kế tiếp sau khi đã xét nghiệm anti - HCV dương tính?

Trả lời: Cần phải định lượng men gan trong máu, ALT cao là biểu hiện của viêm gan. Bệnh nhân sau này cần được xét nghiệm thêm để xác định tình trạng  viêm gan mãn, có cần thiết điều trị hay không?.

57.  Hỏi:  Bạn có thể có trị số men gan bình thường (Ví dụ: ALT) nhưng vẫn bị viêm gan C mãn?

Trả lời: Có thể. Thường gặp binh nhân viêm gan C mãn có men gan tăng hoặc giảm, với những thời kỳ trở về giới hạn bình thường hoặc gần bình thường. Một số bệnh nhân có thể có men gan bình thường trong thời gian cả năm nhưng vẫn bị viêm gan mãn. Khi men gan bình thường , nên kiểm tra lại mỗi 6 đến 12 tháng. Nếu trị số vẫn tiếp tục bình thường thì kiểm tra lại mỗi năm một lần.

58.  Hỏi:  Có cần xét nghiệm thường quy anti-HCV cho phụ nữ có thai?

Trả lời: Không cần. Phụ nữ có thai không có nguy cơ nhiễm HCV cao hơn phụ nữ bình thường. Khi phụ nữ có thai có nguy cơ cao bị viêm gan C, họ cần được xét nghiệm anti-HCV.

59.   Hỏi: Nguy cơ lây nhiễm HCV từ mẹ sang con sơ sinh?

Trả lời: Khoảng 4% trẻ có mẹ nhiễm HCV sẽ bị lây truyền từ mẹ. Việc này diễn ra trong thời gian chu sinh và không có thuốc nào để dự phòng. Đa số trẻ nhiễm HCV chu sinh thường không có triệu chứng và bình thường trong lúc còn nhỏ. Khi trẻ lớn hơn cần xét nghiệm thêm để tìm hiểu ảnh hưởng của nhiễm HCV.

60.   Hỏi: Nguy cơ nhiễm HCV chu sinh có cao hơn khi người mẹ bị đồng nhiễm vớiHIV?

Trả lời: Có, nếu mẹ đồng nhiễm HIV, tỉ lệ lây nhiễm chu sinh có thể lên đến 19%.

61.  Hỏi:  Mẹ bị viêm gan C có thể cho con bú?

Trả lời: Có thể. Không có chứng cứ HCV lây qua đường sữa mẹ. Tuy nhiên mẹ nhiễm HCV không nên cho con bú khi thấy đầu vú bị nứt hoặc chảy máu.

62.  Hỏi: Khi nào thì nên xét nghiệm xem trẻ có bị lây truyền viêm gan C từ mẹ sang?

Trả lời: Không nên xét nghiệm anti-HCV trước 18 tháng tuổi vì anti-HCV từ mẹ truyền sang có thể còn hiện diện trong máu của con đến thời điểm đó. Nếu cần chẩn đoán nhiễm HCV trước khi trẻ được 18 tháng tuổi thì nên thử HCV RNA.

63.   Hỏi: Người viêm gan C mãn có nên tiêm phòng viêm gan B?

Trả lời: Nên tiêm phòng viêm gan B, nếu họ thuộc nhóm có nguy cơ cao.

64.  Hỏi: Nếu đã nhiễm bệnh viêm gan C thì cần phải làm gì? 

Trả lời: Tuyệt đối không hoang mang, lo lắng. Người bệnh cần thực hiện các bước sau đây:

Phải được tư vấn về diễn tiến & đặc điểm bệnh, phương cách chăm sóc & điều trị tại đúng bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa về viêm gan, tiêm phòng Viêm gan A và viêm gan B để tránh nhiễm thêm viêm gan A, B khác

Điều trị sớm & đúng, nếu có chỉ định

Theo dõi khám bệnh định kỳ, làm đúng các chỉ định xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa về viêm gan

65.  Hỏi: Cần làm những xét nghiệm gì trước khi điều trị viêm gan C?

Trả lời: Trước khi bắt đầu điều trị, quý bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho làm các xét nghiệm cơ bản: công thức máu, ure, creatinin, Glucose, SGOT, SGPT, Bilirubin toàn phần, Bilirubintrực tiếp, GGT, AFP, siêu âm bụng tổng quát. HCV-RNA, HCV GENOTYPE...

Làm FIBROSCAN để đánh giá độ cứng của gan.

Ngoài ra nên xét nghiệm thêm HBsAg, Anti HIV vì hai bệnh này cùng đường lây với bệnh viêm gan C.

66.  Hỏi: Xét nghiệm viêm gan B và C khác nhau như thế nào?

Trả lời:  Để phát hiện nhiễm viêm gan B, bạn cần làm xét nghiệm HBsAg để chẩn đoán. Trong khi đó, để xét nghiệm viêm gan C, bạn cần làm xét nghiệm anti HCV trước để xem bạn đã bị viêm gan C bao giờ chưa. Nếu kết quả dương tính, bạn cần làm thêm xét nghiệm HCV RNA để xem siêu vi viêm gan C còn trong cơ thể không. Nếu kết quả dương tính, chứng tỏ bạn đang nhiễm viêm gansiêu vi C, cần được khám chữa bệnh và điều trị.

67.  Hỏi: Thời gian tiến triển của bệnh viêm gan C trong bao lâu? Khi nào có thể xảy ra các biến chứng?

Trả lời: Thời gian để bệnh diễn biến từ viêm gan đến ung thư gan, xơ gan là khoảng 20 năm. Nhưng con số này có thể ngắn hơn nếu người bệnh lạm dụng rượu bia, sử dụng hóa chất và không điều trị kịp thời.

68.  Hỏi: Khi điều trị khỏi VGC rồi thì có bị nhiễm lại không?

Trả lời: Khi điều trị khỏiVGC rồi thì vẫn có thể bị nhiễm lại nếu không biết áp dụng các biện pháp phòng chống vì cơ thể mình không sinh ra được miễn dịch như viêm gan B

69.  Hỏi: Tại sao khi bị nhiễm VGC có nguy cơ cao bị bệnh đái tháo đường?

Trả lời: Nhiễm viêm gan C mạn có thể làm tăng tỷ lệ hội chứng chuyển hóa, kháng insulin, tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2.

HCV gây rối loạn con đường tín hiệu insulin dẫn đến kháng insulin

HCV làm giảm khả năng hấp thu glucose vào tế bào gan gây tăng đường huyết

70.  Hỏi: Mc tiêu điều trị với VGC là gì?

Trả lời:

- Loại trừ HCV vĩnh viễn ra khỏi cơ thể người bệnh.

- Phòng ngừa các biến chứng về gan và các bệnh ngoài gan liên quan đến HCV.

- Dự phòng lây nhiễm HCV trong cộng đồng.

71.   Hỏi: Để chuẩn bị điều trị bệnh VGC mãn thì BS tư vấn gìcho BN?

Trả lời:

- Về đường lây nhiễm HCV để phòng lây nhiễm cho cộng đồng và dự phòng tái nhiễm.

- Về các biến chứng của bệnh viêm gan vi rút C và khả năng tái nhiễm mới.

- Về tác hại và nên tránh các thức uống có cồn (rượu bia)

- Về các phác đồ điều trị: hiệu quả, các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị

- Về lợi ích của tuân thủ điều trị.

72.  Hỏi: Đồng nhiễm virus viêm gan B và C là gì?

Trả lời: Đồng nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) là một tình trạng thường gặp, đặc biệt ở những vùng dịch lưu hành. Nếu nhiễm cùng lúc 2 vi rút VGB, VGC thì thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh và tăng nguy cơ bị xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.

73.  Hỏi: Người bệnh viêm gan vi rút C đồng nhiễm HIV thì điều trị như thế nào?

Trả lời:

- Điều trị tương tự như người bệnh viêm gan vi rút C không nhiễm HIV, ưu tiên dùng phác đồ có DAAs.

- Điều trị ARV trước cho đến khi CD4 > 200 tế bào/mm3 hoặc tải lượng HIV RNAdưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml) thì bắt đầu chỉ định điều trị viêm gan vi rút C mạn tính.

- Không dùng phác đồ có ritonavir cho người bệnh chưa được điều trị ARV.

- Khi điều trị HIV và điều trị viêm gan vi rút C lưu ý tương tác thuốc giữa các thuốc DAAs và thuốc ARV .

74.  Hỏi: Người bệnh đồng nhiễm HBV/HCV thì điều trị như thế nào?

Trả lời:

- Điều trị giống người bệnh viêm gan vi rút C.

- Nếu HBV DNA ≥ 2000UI/ml đối với người bệnh viêm gan vi rút B có HBeAg âm tính hoặc≥ 20.000UI/ml đối với người bệnh viêm gan vi rút B cóHBeAg dương tính thì phối hợp thêm thuốc kháng vi rút viêm gan B.

- Chú ý tương tác thuốc giữa LDV và TDF có thể tăng độc tính thận. Người bệnh cần được theo dõi chức năng thận thường xuyên nếu có sử dụng đồng thời 2 thuốc này.

75.  Hỏi: Người bệnh đồng nhiễm lao/HCV thì điều trị như thế nào?

Trả lời:

- Điều trị lao tiến triển trước, khi ổn định thì điều trị viêm gan vi rút C.

- Điều trị giống người bệnh viêm gan vi rút C.

- Khi điều trị lao và điều trị viêm gan vi rút C lưu ý tương tác thuốc giữa các thuốc DAAs và rifampicin.

76.  Câu hỏi: Ung thư gan HCC là gì?

Trả lời: Ung thư gan HCC (Hepatocellularcarcinoma): Là ung thư biểu mô tế bào gan, xuất phát từ chính các tế bào gan, hay còn gọi là ung thư gan nguyên phát. HCC có nguy cơ cao xảy ra với những người bị xơ gan. Đây là loại ung thư gan thường gặp nhất. HCC khác với ung thư lây lan từ các cơ quan khác đến gan (ung thư gan thứ phát).

Nguyên nhân gây ra ung thư gan HCC gồm hai tác nhân chính là viêm gan do virus và do độc tố aflatoxin.

77.  Hỏi: Theo dõi người bệnh sau khi điều trị  VGC khỏi như thế nào?

Trả lời:  

- Theo dõi biến chứng HCC (kể cả người bệnh chưa điều trị), đặc biệt ở người bệnh có độ xơ hóa gan từ F3 trở lên: bằng siêu âm bụng và AFP mỗi 3-6 tháng. Có thể xem xét sử dụng các xét nghiệm: AFP-L3, PIVKA-II để phát hiện sớm HCC.

- Người bệnh có nguy cơ tái nhiễm HCV (tiêm chích ma túy) hoặc có tăng men gan trở lại: cần kiểm tra lại xét nghiệm định lượng HCV RNA để phát hiện bệnh tái phát hoặc nhiễm HCV mới.

78.  Hỏi: Quá trình nhân lên lên của vi rút VGC như thế nào?

Trả lời:

(1)HCV tiếp cận, gắn lên bề mặt màng tế bào gan rồi hòa màng.

(2)Tiểu thể HCV với lớp vỏ nucleocapsid chui vào trong bào tương tế bào gan.

(3)Phân tử HCV-RNA thoát ra khỏi lớp vỏ nucleocapsid.

(4)Phân tử HCV-RNA di chuyển đến hệ thống lưới nội bào tương của tế bào gan và diễn ra quá trình dịch mã tổng hợp nên các phân tử protein của HCV.

(5)Quá trình sao chép tổng hợp nên các phân tử HCV-RNA mới.

(6) Đóng gói, tạo nên các tiểu thể HCV hoàn chỉnh và sau đó thoát ra khỏi tế bào gan.

Description: http://www.dongdoclinic.vn/Uploaded/images/2014/HCV%204.jpg

79.  Hỏi: Bệnh viêm gan C tự lành được nghĩa là thế nào?

Trả lời: Tự lành nghĩa là Anti-HCV dương tính sau 8 - 12 tuần phơi nhiễm, HCV- RNA dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm thì từ tuần thứ 13 đến tuần 24 xét nghiệm lại  HCV- RNA âm tính, nhưng Aiti HCV vẫn dương tính.

80.  Hỏi: Giai đoạn cấp tính của VGC các kết quả XN như thế nào?

Trả lời: Anti-HCV có thể âm tính trong vài tuần đầu rồi dương tính sau 8-12 tuần phơi nhiễm. HCV- RNA dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm; AST, ALT bình thường hoặc tăng

81.  Hỏi: Giai đoạn mãn tính của VGC các kết quả XN như thế nào?

Trả lời: Anti-HCV có thể âm tính trong vài tuần đầu rồi dương tính sau 8-12 tuần phơi nhiễm. HCV- RNA dương tính sau 2 tuần phơi nhiễm; AST, ALT bình thường hoặc tăng

82.  Hỏi: Thuốc điều trị kháng vi rút VGC hiện nay có được BHYT thanh toán không?

Trả lời: Hiện nay thuốc điều trị VGC đã được BHYT thanh toán, nhưng chỉ thanh toán 50% theo TT30/2018/TT-BYT. Còn các thuốc Pegylated interferon (peginterferon) alpha (2ahoặc 2b) thanh toán 30%.

83.  Hỏi: Tại sao người NCMT hay nhiễm VGC?

Trả lời: Người nghiện ma túy trái phép hay phải dùng đường tiêm chích, vì dùng đường này nhanh khoái cảm, hấp thụ vào cơ thể 100% lượng ma túy và rẻ hơn đường hít. Mặt khác người sử dụng ma túy thường rủ dê nhau sử dụng theo nhóm (gọi là đồng hóa nhóm) và để tiết kiệm tiền mua ma túy và bơm kim tiêm. Vì vậy người nghiện chích ma túy thường dùng chung dụng cụ tiêm chích; có thể một bơm kim tiêm chích chung trực tiếp cho 2-3 người hoặc bơm rửa xi lin, kim tiêm trong một cốc nước sạch rồi chích chung. Như vậy rất dễ dàng lây nhiễm các vi rút: HIV/HBV/HCV. Trong 3 loại vi rút này thì vi rút HCV dễ lây nhất dù chỉ là một lần dùng chung dụng cụ tiêm chích.

84.  Hỏi:  Chẩn đoán viêm gan vi rút C mạn tính trên người bệnh HIV như thế nào?

Trả lời: Anti-HCVdương tính và HCV RNA hoặc kháng nguyên lõi HCVAg dương tính. Không có triệu chứng viêm gan C cấp

85.  Hỏi: Chẩn đoán, điều trị viêm gan C đã được Bộ Y tế qui định ở văn bản nào?

Trả lời: Chẩn đoán, điều trị viêm gan C đã được Bộ Y tế qui định tại Quyết định số 5012/2016/QĐ-BYT, ngày 20/9/2016 của Bộ Y tế  về việc ban hành  hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút C

86.   Hỏi: Qui định xét nghiệm kiểm tra tải lượng vi rút VGC là sau bao nhiêu tháng sau khi dùng thuốc DAA

Trả lời: Thông tư 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của  Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế có qui định tại Danh mục 2. Dịch vụ kỹ thuật y tế có quy định cụ thể điều kiện thanh toán. Cụ thể là tại STT 88:

88

HCV đo tải lượng Real-time PCR

Được bác sỹ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đơn vị điều trị viêm gan chỉ định, thực hiện trong các trường hợp:

a) Xét nghiệm lần đầu;

b) Người bệnh được điều trị thì được thanh toán cho lần đầu, thanh toán lần xét nghiệm thứ hai khi thực hiện cách lần đầu 4 tuần, những lần xét nghiệm tiếp theo cách nhau 3 đến 6 tháng.

87.   Hỏi: Xét nghiệm AnTi HCV được phép làm ở tuyến y tế nào?

Trả lời: Theo Thông tư 43/2013/TT-BYT thì Xét nghiệm AnTi HCV được phép làm tại Trạm y tế, nghĩa là tuysn xã được phép làm. Nhưng muốn được BHYT thanh toàn thì theo Luật KCB thì cần phải có các điều kiện sau:

-   Nhân viên tại Trạm y tế phải có chứng chỉ đào tạo do đơn vị được cấp phép đào tạo liên tục cấp.

-   Nhân viên tại Trạm y tế phải được thực hành tại bệnh viện (khoa XN) trong TG phù hợp theo trình độ người tham gia thực hành.

-   Trạm y tế phải được bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong giấy phép KCB là xét nghiệm Anti HCV.

88.   Hỏi: Yếu tố nguy cơ làm VGC mãn bùng phát đợt cấp và chuyển thành xơ gan và ung thư gan là gì?

Trả lời: Yếu tố nguy cơ làm VGC mãn bùng phát đợt cấp và chuyển thành xơ gan và ung thư gan là: Dùng thuốc hại cho gan, uống rượu, bia hoặc do ăn uống phải hóa chất khác

89.   Hỏi: Thế nào là Xơ gan còn bù và mất bù?

Trả lời:

Nội dung 

Còn bù

Mất bù

Giai đoạn

Độ 1

Độ 2

Độ 3

Độ 4

Lâm sàng

Không dãn TM, không báng

Dãn TM, không báng

Dãn TM, bụng báng ±

Xuất huyết do vỡ TM,  bụng báng

Tử vong

1%

3%

20%

57%

90.   Hỏi: Thế nào là Tăng áp suất mạch môn trong xơ gan?

Trả lời: Khi gan bị xơ,những mô xơ mọc xung quanh sẽ bị xiết  ĐM, TM, ống mật (khoảng cửa) làm tăng áp xuất, gọi là tăng áp lực mạch môn.

Từ đó, sẽ gây ra hàng loạt biến chứng như giãn tĩnh mạch thực quản, tích tụ dịch trong xoang phúc mạc.

91.     Hỏi:  Viêm gan C và VGC giống nhau như thế nào?

Trả lời:

-  Cùng phương thức lây truyền

-  HBV và HCV đều có thể xảy ra nhiễm chéo và đồng nhiễm, khi có đồng nhiễm thì làm gia tăng mức độ tổn thương gan, tỉ lệ tử vong sẽ cao hơn.

-  Triệu chứng lâm sàng: giống nhau, đa phần không có triệu chứng gì rõ ràng,  một số ít bệnh nhân có biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, vàng da, cảm thấy giống như bị cúm. 

-  Sự tiến triển của bệnh:  HBV và HCV  đều có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính, xơ gan và ung thư gan.

92.        Hỏi: Viêm gan C và VGC khác nhau như thế nào?

Trả lời:

ND so sánh

HBV

HCV

Gen

ADN

ARN

Phương thức lây truyền

lây truyền cao là lây từ mẹ sang con

lây truyền cao là lây qua đường máu, nhất là tiêm chích

Triệu chứng

/biến chứng

Điển hình hơn HCV

Tỉ lệ biến chứng của HBV thấp hơn so với HCV; 10% các trường hợp HBV sẽ tiến triển thành mãn tính

Thầm lặng hơn HBV

Tỉ lệ biến chứng của HCV cao hơn so với HBV; 55-85% các trường hợp HCV sẽ tiến triển thành mãn tính

Vắc-xin

Có vắc xin phòng bệnh

Chưa có vắc xin phòng bệnh

Điều trị bệnh

Chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, HBV mãn phải điều trị suốt đời. Nguyên nhân không điều trị khỏi được bệnh là do HBV ngủ ở trong tế bào gan dưới dạng cccDNA

Hiện đã có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, thời gian điều trị kéo dài từ 3-6 tháng, tùy từng thể virus

Chi phí điều trị

thì chi phí điều trị HBV hiện nay khoảng 20-25 triệu đồng/năm, nhưng nếu chuyển sang xơ gan, ung thư gan thì chi phí tốn hơn rất nhiều

điều trị HCV chủ yếu là dùng thuốc uống, nếu phác đồ điều trị 3 tháng chỉ hết khảng 30-40 triệu đồng là khỏi hoàn toàn.

93.   Câu hỏi: Xét nghiệm tải lượng vi rút HCV-RNA có ý nghĩa gì?

Trả lời:

- Xác định được số lượng vi rút trong máu

- Xác định được VGC cấp hay mãn tính

- Tiên lượng được đáp ứng điều trị

94.  Câu hỏi: Vì sao khi nhiễm VGC mãn tính tiểu cầu lại giảm?

Trả lời: Giảm tiểu cầu là một biến chứng thường gặp của nhiễm HCV mạn tính. Vi rút VGC gây ức chế tủy xương, làm tăng bắt giữ tiểu cầu tại lách và giảm sản xuất thrombopoietin ở gan. Đó là những yếu tố góp phần làm giảm tiểu cầu khi bị nhiễm VGC mãn tính.

95.   AFP là gì?

Trả lời: AFP  là viếttắt của Alpha-fetoprotein, là Xét nghiệm phổ biến nhất để sàng lọc ung thư gan. AFP tăng liên tục hoặc AFP >500 ng/mllà có nguy cơ ung thư gan

96.    Hỏi: Siêu âm gan có ý nghĩa gì trong khám bệnhVGC?

Trả lời: Siêu âm có thể phát hiện được khoảng 80% ung thư gan. Nhiễm bệnh nhân nhiễm vi rút VGC mãn tính không điều trị, khi siêu âm gan đã phát hiện ung thư gan

97.  Hỏi: Tại sao khi XN  AntiHCV(+)  thì nên đo tải lượng vi rút ngay?

Trả lời: Khi XN  Anti HCV(+) thì nên đo tải lượng vi rút ngay vì đo tải lượng vi rút VGC  (HCV-RNA) là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm vi rút VGC mãn tính

98.   Hỏi: Tại sao bị nhiễm vi rút VGC thì không được uống rượu, bia?

Trả lời: Sau vi rút viêm gan B, C thì  Rượu, bia là sát thủ thứ hai của lá gan. Vậy bị một sát thủ rồi, đừng để bị hai sát thủ cùng một lúc tấn công lá gan, người nhiễm vi rút VGC sẽ nhanh chóng bị ngã gục đấy.

99.  Câu hỏi: Bệnh nhân nhiễm HCV cần làm gì để bảo vệ gan của mình?

Trả lời:

Bỏ rượu.

Khám bệnh đều đặn.

Không dùng bất cứ thuốc gì kể cả thuốc không cần kê đơn nếu chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Tiêm phòng viêm gan A,viêm gan B.

100.   Câu hỏi: Ngày Viêm Gan Thế giới (World Hepatitis Day 28/7)

Trả lời: Hội nghị Sức khỏeThế giới lần thứ 63 (World Assembly of the World Health Organization) đã quyết định chính thức lấy ngày 28 tháng 7 hàng năm là “Ngày viêm gan thế giới” – nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này và kêu gọi các quốcgia hãy hành động ngay, trước khi quá muộn. Từ khi được công bố đến nay, hàng năm với sự tham gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngày Viêm Gan Thế giới đã ghi nhận sự tham gia của 194 quốc gia thông qua nhiều hoạt động như chương trình khám bệnh sàng lọc miễn phí, tổ chức mít tinh, cổ động…

Ngày 28/7 được chọn là Ngày Viêm gan Thế giới vinh danh ngày sinh của Giáo sư Baruch Samuel Blumberg đạt giải Nobel trong việc phát hiện ra virus viêm gan B và phát triển vaccine đầu tiên chủng ngừa virus viêm gan B. Mỗi năm Ngày Viêm gan Thế giới được kêu gọi với một chủ đề khác nhau.

BS. Nguyễn Thái Hồng

TTKSBT Bắc Kạn


Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Bộ Y tế hướng dẫn cách xử lý nước sạch để dùng sau mưa lũ
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 782
  • Trong tuần: 12 565
  • Tất cả: 1723347
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập