Vì sao viêm gan vi rút B, C là “kẻ sát thủ thầm lặng”
Viêm gan vi rút B, C là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, theo các điều tra về tỷ lệ nhiễm trong nước thì viêm gan B (VGB) có tỷ lệ nhiễm từ 10-12%, viêm gan C (VGC) có tỷ lệ nhiễm từ 2-4%, nhưng ở đối tượng nghiện chích ma túy tỷ lệ nhiễm lên đến 80-90%. Cả VGB và VGC đều dẫn đến biến chứng nguy hiểm là xơ gan và ung thư gan, có đến 80% bệnh nhân ung thư gan là do VGB, VGC.

Viêm gan vi rút B, C là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, theo các điều tra về tỷ lệ nhiễm trong nước thì viêm gan B (VGB) có tỷ lệ nhiễm từ 10-12%, viêm gan C (VGC) có tỷ lệ nhiễm từ 2-4%, nhưng ở đối tượng nghiện chích ma túy tỷ lệ nhiễm lên đến 80-90%. Cả VGB và VGC đều dẫn đến biến chứng nguy hiểm là xơ gan và ung thư gan, có đến 80% bệnh nhân ung thư gan là do VGB, VGC.

Viêm gan vi rút B, C là “kẻ sát thủ thầm lặng” là vì:

1.  Về đặc điểm và sự nguy hiểm của vi rút VGB, vi rút VGC

VGB, VGC đều là các vi rút diễn biến chậm, thời gian ủ bệnh kéo dài, trung bình 1-3 tháng. Quá trình tiến triển mãn tính rất âm thầm, hầu như không có triệu chứng gì; trừ ở giai đoạn cấp thì triệu chứng của VGB rầm rộ hơn VGC, với các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, vàng da, nước tiểu sẫm màu.v.v…

Vi rút VGB, VGC có các đường lây truyền tương tự nhau là đườngmáu, đường tình dục, đường mẹ sang con. Trong đó VGB chủ yếu lây truyền qua đường từ mẹ sang con, VGC chủ yếu lây truyền qua  đường máu, nhất là dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da.v.v…

Biến chứng của VGB, VGC đều gây xơ gan, ung thư gan, suy gan cấp. Theo thống kê tử vong tại tuyến xã trong số A4 (sổ tử vong) thì tử vong do xơ gan, ung thư gan đứng thứ 4 trong các nguyên nhân tử vong.

Diễn tiến tự nhiên của HBV theo các hình thức lây truyền

2.  Về phía bệnh nhân và gia đình bệnh nhân

90% người bị VGB, VGC không biết được tình trạng bệnh của mình vì không có một triệu chứng lâm sàng nào. Bệnh nhân đi khám bệnh chỉ khi có triệu chứng lâm sàng, nên đã ở giai đoạn muộn, tức là đã biến chứng.

Nhiều bệnh nhân chỉ thấy triệu chứng đau tức vùng gan, khi đi khám, siêu âm gan thì đã thấy khối u phát triển làm gan to lên, gây đau tức ở vùng hạ sườn phải.

Nhiều bệnh nhân khi đi khám bệnh khác, làm xét nghiệm men gan thấy tăng gấp 3- 4 lần bình thường; bác sỹ cho làm xét nghiệm viêm gan thì mới biết là mắc VGB hoặc VGC; khi đo độ xơ hóa của gan đã là F4, lúc này đã là xơ gan.

Mặc dù VGB đã có vắc xin phòng, nhưng chỉ những người sinh từ 2003 trở lại đây mới được tiêm phòng VGB miễn phí, số còn lại (người lớn) phải tiêm dịch vụ, nhưng tỷ lệ tiêm ở các đối tượng này rất thấp.

Trong gia đình, một người bị VGB hoặc VGC thì những thành viên khác sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm vì vi rút dễ dàng lây qua đường máu, đường tình dục, đường mẹ sang con. Trong lây truyền qua đường máu thì dễ dàng nhất là dùng chung hoặc dùng  nhầm bàn chải đánh răng. Thực tế có nhiều gia đình có trên 2 người hoặc 2-3 thế hệ đều bị VGB hoặc đang mắc hoặc đã tử vong do xơ gan, ung thư gan.

3.  Về phía bác sỹ và các cơ sở y tế

Đa số các bác sỹ hiện nay khi khám bệnh, chưa có ý thức hoặc không tư vấn cho bệnh nhân làm xét nghiệm sàng lọc VGB, VGC; vì Bảo hiểm y tế không thanh toán cho xét nghiệm sàng lọc VGB, VGC mà chỉ thanh toán khi bệnh nhân được chẩn đoán là VGB, hoặc VGC cấp tính hoặc mãn tính.

Các cơ sở y tế hiện nay chỉ từ tuyến huyện trở lên mới đủ điều kiện xét nghiệm phát hiện VGB, VGC, nhưng chỉ là phát hiện qua test chẩn đoán nhanh; chưa có thiết bị chẩn đoán xác định là VGB/VGC mãn để chỉ định dùng hay chưa dùng thuốc kháng vi rút. Nên thường không làm gì thêm được nữa, huyện nào giới thiệu bệnh nhân lên tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương thì thường chỉ những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng mới lên tuyến trên để khám tiếp.

4.  Về phía chính sách và cộng đồng

Hiện nay VGB, VGC vẫn chưa được cộng đồng quan tâm bằng HIV,  mặc dù có các đường lây truyền như nhau, trong khi đó tỷ lệ mắc và tử vong cao hơn HIV.

Các cơ quan, doanh nghiệp khi cho người lao động đi khám sức khỏe định kỳ chưa quan tâm cho người lao động xét nghiệm phát hiện VGB, VGC. Thậm chí có cơ quan, doanh nghiệp phát tiền cho người lao động tự đi khám sức khỏe định kỳ, muốn khám gì thì khám.v.v…

5.  Giải pháp nào để chiến thắng vi rút VGB, VGC

Để vi rút VGB, VGC, không còn  là “kẻ sát thủ thầm lặng” nữa thì hiện nay chúng ta hoàn toàn có các giải pháp để “khuất phục” hai con vi rút này, đó là:

5.1. Đối với người chưa nhiễm VGB, VGC

Tiêm vắc xin VGB cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ tại bệnh viện; tiêm vắc xin VGB cho trẻ lớn và người lớn (nếu chưa được tiêm phòng trong tiêm chủng mở rộng) là giải pháp chủ động và tích cực nhất để phòng nhiễm vi rút VGB. Sau khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi tiêm tiếp vắc xin 5in1 có thành phần vắc xin VGB.

Nếu chưa tiêm vắc xin phòng VGB thì cần áp dụng các biện pháp phòng nhiễm vi rút VGB lây truyền qua đường máu, đường tình dục.

Tích cực phòng chống ma túy, không để phát sinh người mới mắc nghiện chích ma túy; nếu ai chót nghiện chích ma túy thì phải được tiếp cận tư vấn đi cai nghiện tại các cơ sở điều trị Methadone. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn truyền máu và an toàn trong các dịch vụ tiêm chích qua da, là các biện pháp tốt nhất để phòng, chống nhiễm vi rút VGC.

Phụ nữ có thai cần được tư vấn xét nghiệm sàng lọc VGB khi đi khám thai.

Đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để biết mình nhiễm hay chưa nhiễm VGB, VGC.

5.2. Đối với người đã nhiễm vi rút VGB, VGC chưa phải dùng thuốc kháng vi rút

Người nhiễm vi rút VGB mãn tính cần đi khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần, đối với người phát hiện nhiễm vi rút VGC trên 6 tháng  phải đo tải lượng vi rút (HCV-RNA) để khẳng định nhiễm VGC mãn tính hay đã tự khỏi. Nếu nhiễm VGC mãn tính thì cần điều trị thuốc kháng vi rút ngay. Khám, xét nghiệm, điều trị VGB, VGC mãn tính hiện nay đã được Bảo hiểm y tế thanh toán; riêng tiền thuốc điều trị kháng vi rút VGC mới được Bảo hiểm y tế chi trả 50%.

Thông báo cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết mình bị nhiễm VGB/VGC để chủ động các biện pháp phòng, chống.

Khuyên người thân trong gia đình đi xét nghiệm VGB/VGC, nhất là trong gia đình có người đang nhiễm hoặc đang bị hoặc đã tử vong do xơ gan, ung thư gan.

Tiêm vắc xin cúm để không mắc cúm, không mắc cúm sẽ không phải dùng các thuốc điều trị triệu chứng cúm làm hại cho lá gan.

Thực hiện tốt các biện pháp không làm lây truyền vi rút VGB/VGC sang người khác.

Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ lá gan của mình: Ăn uống đủ dinh dưỡng, không uống rượu, bia; lựa chọn thực phẩm không nhiễm các chất độc hại cho gan; thận trọng khi dùng các thuốc có hại cho gan; không dùng thuốc nam mà nguồn gốc không rõ ràng.

Không ép người nhiễm vi rút VGB, VGC uống rượu,bia.

5.3. Đối với người nhiễm VGB, VGC đang dùng thuốc kháng vi rút

Ngoài tuân thủ các biện pháp như người nhiễmVGB, VGC chưa phải dùng thuốc kháng vi rút như trên, cần:

Tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút VGB, VGC khi được bác sỹ chỉ định

Khám bệnh định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ.

Không dùng thuốc nam mà bỏ thuốc kháng vi rút.

Nhiễm vi rút VGB mãn tính hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hẳn, phải điều trị lâu dài;  nhiễm vi rút VGC mãn tính đã có thuốc điều trị khỏi hẳn.

Bs. Nguyễn Thái Hồng

Phó Giám đốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn


Những điều cần biết về bệnh dại
  • Những điều cần biết về bệnh dại
  • Khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
  • Bản tin phòng chống dịch Covid - 19 (Ngày 10/3/2022)
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 787
  • Trong tuần: 10 925
  • Tất cả: 1166940
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập