image banner
VIÊM GAN VI RÚT B VÀ C, KẺ SÁT NHÂN THÂM LẶNG NHƯNG DỄ DÀNG PHÁT HIỆN VÀ PHÒNG, CHỐNG
Viêm gan vi rút B và C là những căn bệnh diễn biến thầm lặng, có thể dẫn đến viêm gan mãn và nguy hiểm nhất là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.  Đa số khi nhiễm, người bệnh không biết,nên không đi khám; chỉ một số ít bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, sốt, vàng da, vàng mắt thì mới đi khám. Hiện nay viêm gan vi rút B đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng viêm gan vi rút C vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh; viêm gan vi rút B chưa có thuốc điều trị triệt để, nhưng viêm gan vi rút C đã có thuốc điều trị triệt để.

Viêm gan vi rút B và C là những căn bệnh diễn biến thầm lặng, có thể dẫn đến viêm gan mãn và nguy hiểm nhất là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.  Đa số khi nhiễm, người bệnh không biết,nên không đi khám; chỉ một số ít bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, sốt, vàng da, vàng mắt thì mới đi khám. Hiện nay viêm gan vi rút B đã có vắc xin phòng bệnh, nhưng viêm gan vi rút C vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh; viêm gan vi rút B chưa có thuốc điều trị triệt để, nhưng viêm gan vi rút C đã có thuốc điều trị triệt để.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới,có khoảng 240 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng 130-150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính trên toàn cầu. Số trường hợp tử vong do viêm gan vi rút B và C, mỗi năm khoảng 1,4 triệu người.

Tại Việt Nam, theo các kết quả nghiên cứu ở một số nhóm quần thể, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là khoảng 6% và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C khoảng 0,2- 4%. Ước tính hiện nay có khoảng 8,7 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Số người tử vong tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.

Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78%trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Theo kết quả điều tra, gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cao nhất. Mặc dù gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút là rất lớn, tuy nhiên chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mãn tính biết mình bị nhiễm và chưa đến 1% được tiếp cận điều trị.

Khi mới nhiễm vi rút viêm gan B hoặc C ở giai đoạn cấp, bệnh sẽ tiến triển theo hai khả năng sau:

Khả năng thứ nhất:

Đối với viêm gan B: Nếu sức đề kháng của bệnh nhân tốt thì kháng nguyên HBsAg chỉ dương tính dưới 6 tháng rồi chuyển âm tính; sau đó cơ thể sinh ra đủ lượng kháng thể là Anti - HBs để chống lại vi rút, thì là khỏi bệnh;không tiến triển thành viêm gan mãn tính và xơ gan, ung thư gan nữa. Khả năng này là 10% đối với lây truyền dọc (lây truyền từ mẹ sang con khi sinh) và 90% đối với lây truyền ngang (lây truyền qua đường máu và đường tình dục).

Đối với viêm gan C: Nếu sức đề kháng của bệnh nhân tốt thì cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại vi rút là Anti - HCV. Song khác với viêm gan B, việc xuất hiện kháng thể này thể không phân biệt được nhiễm cũ, nhiễm mới, hay nhiễm rồi đã khỏi. Lúc này phải xét nghiệm HCV - RNA, nếu âm tính thì mới là khỏi bệnh.

Khả năng thứ hai:  

Đối với viêm gan B: Nếu sức đề kháng của bệnh nhân đối với viêm gan B không tốt thì kháng nguyên HBsAg sẽ dương tính kéo dài trên 6 tháng, cơ thể  không sinh ra được kháng thể Anti - HBs (Anti - HBsâm tính), nghĩa là chuyển thành viêm gan B mãn tính. Từ đây mỗi người bệnh sẽ có một quá trình diễn biến bệnh khác nhau. Có bệnh nhân nếu duy trì lại được sức đề kháng của cơ thể tốt, sẽ sống chung với vi rút viêm gan B suốt đời mà không có biểu hiện lâm sàng (gọi là người lành mang trùng) thì sẽ không xuất hiện các đợt viêm gan cấp. Có bệnh nhân nếu sức đề kháng không tốt thì thỉnh thoảng sẽ có một đợt viêm gan cấp; trong số những bệnh nhân này, có người chỉ mệt mỏi, sốt nhẹ vài ngày rồi khỏi, nên không đi viện; có người có các triệu chứng điển hình như sốt mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, nên buộc phải đi viện. Song dù thế nào đi nữa,  bệnh nhân nào cũng vậy, khi bị các đợt viêm gan cấp này, lá gan đều bị hủy hoại do vi rút nhân lên; càng nhiều đợt cấp thì gan bị hủy hoại càng nhanh và càng nhanh dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Thực tế rất nhiều người bệnh bị viêm gan B đã bị xơ hóa gan độ 2, độ 3, thậm chí độ 4 mà không biết mình mắc xơ gan do vi rút viêm gan.

Đối với viêm gan C: Nếu sức đề kháng của bệnh nhân đối với viêm gan C không tốt thì cơ thể vẫn sinh ra kháng thể Anti - HCV (+). Nếu Anti - HCV (+) dương tính trên 6 tháng cùng với xét nghiệm sinh học phân tử HCV - RNA(+), thì sẽ được chẩn đoán là viêm gan C mãn tính. Song cũng như nhiễm viêm gan B mãn,người bệnh có nhiều đợt viêm cấp, có thể bệnh nhân không biết, lá gan sẽ bị hủy hoại dần, rồi dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Điểm khác với viêm gan B là các triệu chứng lâm sàng kín đáo hơn, nhưng có tốc độ và tỷ lệ dẫn đến xơ gan, ung thư gan cao hơn.

Vậy làm thế nào để phát hiện và chủ động phòng, chống viêm gan vi rút B và C?

Khám sức khỏe định kỳ phát hiện viêm gan vi rút B, C để được điều trị kịp thời

Người dân hoặc cán bộ, công nhân tại cơ quan, doanh nghiệp cần phải khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế (Trung tâm y tế dự phòng, các phòng khám,  bệnh viện), trong đó cần phải được xét nghiệm viêm gan B và C.  

Đối với viêm gan B: Xét nghiệm HBsAg, nếu âm tính thì tiêm phòng luôn, nếu dương tính thì phải làm tiếp ngay xét nghiệm HBeAg (là kháng nguyên vỏ nhân của viêm gan B). Nếu HBeAg(+) chứng tỏ vi rút đang nhân lên rất mạnh, lúc này rất dễ lây lan cho người khác, vì vậy thầy thuốc phải coi như là một tình huốngcấp cứu. Khi HBeAg(+) cần làm tiếp xét nghiệm men gan (ALT) và đo tải lượng vi rút.

 Chỉ định điều trị nếu ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường và HBV-DNA ≥ 105 copies/ml, nếu HBeAg(+); hoặc ALT tăng trên 2 lầngiá trị bình thường và HBV-DNA ≥ 104copies/ml, nếu HBeAg(-); hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.

Tuy nhiên do đặc điểm của vi rút viêm gan B là hay đột biến gen, thể đột biến hay gặp là đột biến vùng trước nhân (Pre-coremutation); nên nhiều trường hợp HBsAg(+), nhưng HBeAg(-). Cơ chế là vùng trước nhân là nơi mã hóa cho HBeAg, khi bị đột biến thì đoạn gen đó sẽ không chỉ huy để tổng hợp nên HBeAg nữa, nên HBeAg(-);nhưng quá trình nhân đôi của vi rút vẫn tiếp diễn,  HBV - DNA vẫn cao trong huyết thanh.

Đối với viêm gan C:  Xét nghiệm Anti HCV, nếu âm tính thì cóthể không nhiễm viêm gan C (vì nếu nhiễm viêm gan C thì sau 8-12 tuần Anti HCV mới dương tính). Nếu Anti HCV(+) thì cần làm xét nghiệm HCV-RNA ngay, nếu dương tính thì bác sỹ sẽ quyết định điều trị thuốc kháng vi rút viêm gan C.

Ảnh: Xét nghiệm đo tải lượng vi rút viêm gan tại TTKSBT Bắc Kạn

Dự phòng chủ động bằng tiêm vắc xin

Hiện nay chỉ có HBV là có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu, HCV chưa có vắc xin phòng bệnh. Cụ thể tiêm phòng như sau:

Phòng lây truyền dọc: Tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ em trong vòng 24h đầu sau sinh để phòng lây truyền mẹ con. Tiêm HBIG (huyết thanh kháng vi rút viêm gan B) cho các sản phụ có HBsAg (+), HBeAg (+).

Phòng lây truyền ngang: Tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ < 01 tuổi: tiêm các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng (Viêm gan B có trong thành phần của vắc xin quinvaxem). Tuy nhiên vắc xin viêm gan B này chỉ tiêm từ năm 2003, vậy những ai chưa mắc viêm gan B có tuổi từ 14 trở lên (trước 2003) mà chưa tiêm vắc xin viêm gan B thì cần phải tiêm theo hình thức tiêm dịch vụ, theo lịch tiêm như sau:

- Mũi 1 là mũi tiêm đầu tiên;

- Mũi 2 cách mũi 1: 1 tháng;

- Mũi 3 cách mũi 1:  6 tháng;

- Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 5 năm.

Bảo vệ lá gan

Cân nhắc, thận trọng khi dùng các loại thuốc tân dược có hại cho gan như: Paracetamol, Clorpheniramine, thuốc điều trị đái tháo đường đường uống (nên thay thuốc uống  bằng tiêm Insulin). v.v...

Cân nhắc, thận trọng khi dùng các loại thuốc đông y, nếu dùng phải biết được nguồn gốc rõ ràng của thuốc, biết được các thảo dược đó là loại phải có lợi cho gan. Đảm bảo rằng các thuốc đông y có lợi cho gan đó không bị mốc.

Dùng các loại thực phẩm nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm hóa chất độc hại cho gan, tuyệt đối không dùng thực phẩm mốc.

Hạn chế và tốt nhất là không dùng rượu bia.

Tiên lượng điều trị vi rút viêm gan B và C

Đốivới viêm gan B: Do đặc điểm của vi rút viêm gan B là đoạn gen của nó gắn chặt vào nhân của tế bào gan tạo thành một vòng tròn khép kín (cccDNA: covalently close circular). Vì vậy các thuốc điều trị vi rút viêm gan hiện nay chỉ ức chế sự nhân lên của vi rút chứ không thể tiêu diệt hết sạch vi rút do không ngấm vào trong nhân tế bào gan được.

Đối với viêm gan C:  Do đặc điểm của vi rút viêm gan B là đoạn gen của nó chỉ chui vào đến bào tương của tế bào gan, nên hiện nay đã có thuốc điều trị tiêu diệt sạch vi rút viêm gan C, tỷ lệ điều trị khỏi có thể lên đến trên 90% hoặc 100% tùy thuộc vào hiện trạng của mỗi bệnh nhân, bệnh khác kèm theo và sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Bs. Nguyễn Thái Hồng


Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- T5G
  • Bác sỹ Lộc Văn Huân- Tấm gương điển hình về Y đức
  • Những người "gánh" vắc xin lên non
1 2 3 4 5  ... 
image

  • Hôm nay: 2628
  • Trong tuần: 25 975
  • Tất cả: 1448486
THÔNG TIN LIÊN HỆ
  • Địa chỉ: Số nhà 96, Tổ 10, phường Nguyễn Thị Minh Khai, Bắc Kạn
  • Email: ttksbt@backan.gov.vn
  • Điện thoại: (0209) 3870943
Đăng nhập